Không ít ngân hàng hiện đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng

Không ít ngân hàng hiện đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng

Nới room tín dụng không thể “cứ từ từ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng kiến nghị được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) và một số đã được chấp thuận, nhưng cơ quan quản lý có góc nhìn khác về vấn đề này.

Tín dụng tăng trưởng cao

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/6/2021, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47%, cao hơn nhiều mức tăng 2,45% của cùng kỳ năm 2020.

Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 21/6, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ xác nhận, cơ quan này đã nhận được yêu cầu của hơn 10 tổ chức tín dụng về việc nới room. Ngân hàng Nhà nước đang xem xét, phân tích, đánh giá để có hướng xử lý.

Ngày 12/7/2021, trong cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng với 16 tổ chức tín dụng hội viên, câu chuyện đề nghị cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn lại được đề cập.

Nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, đến cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi một số ngân hàng về việc chấp thuận tăng hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý không chia sẻ thông tin đó là những ngân hàng nào và hạn mức cụ thể được tăng là bao nhiêu.

Thông tin không chính thức là MBBank được tăng hạn mức tín dụng lên 15%, nhưng trong cuộc trao đổi nhằm xác nhận tỷ lệ này, một lãnh đạo cao cấp MBBank chia sẻ: “Những nội dung liên quan đến tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến rằng, các ngân hàng không công bố và bình luận”.

Nếu như trước đây, tín dụng nhằm để “tiêm” cho doanh nghiệp khỏe, thì nay là bơm tín dụng để doanh nghiệp không “chết”.

Cùng câu hỏi tương tự tới những ngân hàng kiến nghị nới room tín dụng để xác nhận tỷ lệ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tăng như Vietcombank lên 14%, Techcombank lên 17%, VPBank lên 12,1%, Sacombank lên 10,5%, Eximbank lên 10%, VIB lên 14,1%, TPBank lên 17,4%..., Đầu tư Chứng khoán cũng nhận được lời từ chối và cho biết, “cơ quan quản lý đã có chỉ đạo không công bố số liệu nên lãnh đạo ngân hàng chấp hành”.

Thông tin chưa được kiểm chứng đó là không phải ngân hàng nào cũng được cấp hạn mức tín dụng như mong muốn và “có ngân hàng đạt lợi nhuận cao thậm chí còn không được nới room tín dụng”.

Thực tế, các tổ chức tín dụng sớm cạn room tín dụng bởi doanh nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn vay ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng của TPBank trong nửa đầu năm 2021 khoảng 11%, gần chạm mức trần được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tại Vietcombank, tăng trưởng tín dụng hiện đạt 9% so với hạn mức cả năm là 10%. MSB cũng có mức tăng trưởng tín dụng cao, giúp lợi nhuận tăng mạnh. Sau 5 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 68% kế hoạch năm, được đóng góp chủ yếu từ thu nhập lãi thuần gần 2.500 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước.

Áp lực dần xuất hiện

Các ngân hàng hối thúc tăng chỉ tiêu tín dụng, nhưng cơ quan quản lý có góc nhìn khác về vấn đề này.

Những khó khăn trong hoạt động cấp tín dụng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Thực tế, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn dựa nhiều vào ngân hàng sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô”.

Thực tiễn hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn của loại hình này do năng lực tài chính, quản trị, phương án kinh doanh, quản trị dòng tiền còn hạn chế, có những doanh nghiệp thậm chí không đủ điều kiện vay vốn.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 6/2021, tỷ trọng huy động vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng đạt 87%, huy động vốn trung và dài hạn đạt 13%; trong khi đó, tín dụng kỳ hạn ngắn chiếm 51%, tín dụng trung và dài hạn chiếm 49%.

Trước đó, báo cáo tài chính quý I/2021 của các ngân hàng cho thấy, có 3 ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trên 50%. Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2021, OCB có 65.239 tỷ đồng cho vay trung và dài hạn, tăng 3% so với đầu năm Tuy nhiên, nguồn vốn trung và dài hạn giảm 1%, xuống 17.590 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng đã phải dùng 47.649 tỷ đồng vốn ngắn hạn để bù đắp cho hoạt động tín dụng trung và dài hạn.

Tương tự, tại Techcombank, cho vay trung và dài hạn tăng 7% lên 175.762 tỷ đồng, nhưng vốn huy động trung và dài hạn giảm 2%, còn 27.544 tỷ đồng. Techcombank đã phải dùng 148.218 tỷ đồng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, tăng 8% so với đầu năm. Đáng chú ý, số tiền này chiếm tới 51% tổng nguồn vốn ngắn hạn.

Với VIB, dư nợ cho vay trung và dài hạn là 120.627 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Vốn huy động trung và dài hạn của Ngân hàng đạt 54.030 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Vì thế, VIB phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài là 66.598 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trên 30% là Bản Việt, KienlongBank, Vietbank, VPBank, LienVietPostBank, PGBank…

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét: “Hệ thống ngân hàng đang “đi trên dây”. Muốn tăng trưởng kinh tế thì phải “mở van” tín dụng, bơm tiền để cho vay nhiều hơn. Nhưng với tỷ lệ huy động dài hạn hạn chế và dùng từ nguồn vốn ngắn hạn sang sẽ dẫn đến rủi ro thanh khoản”.

Tình thế cấp bách

Về động thái điều chỉnh room của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, đây là quyết định phù hợp và kịp thời, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xem xét, đầu tư vốn cho những doan nghiệp sản xuất - kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có cơ hội, phương án phát triển, mở rộng sản xuất - kinh doanh...

“Tôi tin tưởng quyết định này được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc điều chỉnh trên cơ sở điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và kỳ vọng đại dịch sẽ từng bước được kiểm soát và đẩy lùi”, ông Hùng nói.

Trong một diễn biến có liên quan, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, không thể siết room tăng trưởng tín dụng bởi 3 lý do sau:

Thứ nhất, tín dụng/GDP đã tăng cao đến 140%, đối với thế giới là cao, nhưng đối với Việt Nam không cao, bởi tỷ lệ 130 - 140% đã diễn ra khoảng 10 năm nay.

Thứ hai, 90% các doanh nghiệp Việt Nam vẫn trông chờ vào tín dụng, siết tín dụng là nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Thứ ba, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên doanh nghiệp được giãn, hoãn nợ. Trong giai đoạn bình thường, các doanh nghiệp phải trả nợ mới được vay tiếp, nhưng bây giờ không phải trả nợ ngay mà vẫn được vay tiếp. Đó là lý do nhiều ngân hàng sắp sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng.

“Nếu như trước đây, tín dụng nhằm để “tiêm” cho doanh nghiệp khỏe, thì nay là bơm tín dụng để doanh nghiệp không chết”, TS. Ánh nói và nhận xét, tình hình hiện nay giống câu chuyện oxy trong đại dịch Covid-19 của Ấn Độ vừa qua, người bệnh mà bị rút ống thở oxy ra thì sẽ chết, nên cứ phải để ống thở oxy nhằm cố gắng hồi sức cấp cứu, các chuyện còn lại tính sau.

Tin bài liên quan