Điều đó thể hiện tại các diễn đàn đầu tư lớn diễn ra trong vòng 2 tháng qua, đại diện của các quỹ đã chủ động đề nghị các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh phản ánh và thúc đẩy hai vấn đề này.
“Nhà đầu tư ở nước ngoài nghe nói IPO một tập đoàn lớn ở Việt Nam mà chỉ bán có 8% vốn, họ cười bảo IPO cái gì? Rồi các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa, IPO phải lên niêm yết theo quy định, nhưng họ không niêm yết thì chế tài ra sao? Điều này cũng giống như bố mẹ không cho con cái đi chơi qua đêm, mà con cứ đi thì bố mẹ làm gì?”, giám đốc đầu tư một quỹ đầu tư chia sẻ với ĐTCK về những vấn đề không mới và ai cũng đang bức xúc về thực trạng cổ phần hóa ở Việt Nam.
Theo ông, vấn đề đã rõ nhưng làm thế nào để giải quyết thực trạng này thì chưa có câu trả lời. Ngay cả câu chuyện mở room, cũng chưa có cơ quan nào đứng ra nói rõ ràng cho nhà đầu tư rằng, có mở không, khi nào mở, hoặc cứ nói thẳng rằng vấn đề này chưa thể thực hiện ngay. Cuối cùng, việc nới room cứ như câu chuyện… “phía trước có rừng mơ” khiến nhà đầu tư mệt mỏi nhiều năm nay.
“Tất nhiên, khi bạn nghe nói sắp có iphone 7 thì bạn đã không muốn mua iphone 6 nữa rồi, huống chi là mua iphone 5. Thị trường chứng khoán Việt Nam bây giờ là như thế, nhà đầu tư nước ngoài nghe nói sắp mở room, nghe nói sắp cổ phần hóa, niêm yết nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn nên họ chờ đợi chưa đầu tư ngay. Nhưng nếu không có thì họ sẽ quên luôn và chuyển sang thị trường khác, vì họ có rất nhiều lựa chọn”, giám đốc một quỹ đầu tư khác bình luận khi được hỏi vì sao mà vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam không tăng đáng kể.
Giám đốc một công ty chứng khoán có thị phần khách hàng nhà đầu tư nước ngoài lớn, sau cuộc hội thảo “Nhìn nhận vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế” tổ chức tại HOSE tháng trước đã thốt lên rằng, các vấn đề cũng như các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán đã nhìn thấy rõ, nhưng chưa có ai nhận “sở hữu” đấy là việc của tôi, tôi sẽ làm và làm bao giờ xong?
“Đó mới là vấn đề lớn nhất của thị trường”, ông này tỏ ý lo ngại.
Đã nhiều năm nay, các công ty quản lý quỹ nước ngoài ở Việt Nam không thể huy động thêm vốn để thành lập một quỹ mới. Ngoài các lý do khách quan thì chủ quan chính là việc các nhà tạo lập quỹ không thể “kể một câu chuyện Việt Nam” cho các nhà đầu tư của họ. Bản thân họ cũng không biết khi nào thì việc tăng room ngoại, IPO các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn được đẩy mạnh thực hiện và thực hiện theo thông lệ quốc tế. Đến bây giờ, ngay cả việc nhắc lại những thông tin này với nhà đầu tư nước ngoài họ cũng không dám, bởi đó là những điều ai cũng biết, nhưng không ai biết là khi nào điều kỳ vọng và hứa hẹn đó sẽ xảy ra?