Nới room nhìn từ câu chuyện FPT

Nới room nhìn từ câu chuyện FPT

(ĐTCK) Mỗi lần hở room (tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại DN) sau khi cổ phiếu phát hành thêm niêm yết mới, lập tức cổ phiếu FPT được lấp kín room ngay sau đó khiến cơ hội sở hữu thêm cổ phiếu này từ nhà đầu tư nước ngoài hầu như không có. Tuy nhiên, để mở thêm cánh cửa từ ngày 1/9 tới đây dường như lại là việc rất khó đối với DN này.

Với quy mô hơn 20.000 nhân sự, hoạt động trải dài trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào công nghệ thông tin, viễn thông, FPT có nhiều việc phải làm nếu muốn nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP vừa được ban hành, nếu DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ áp dụng theo ngành nghề, lĩnh vực có room thấp nhất. Bởi vậy, trước hết, cần xác định FPT hoạt động trong những ngành nghề nào và tương ứng với ngành nghề đó, tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu, dẫn chiếu theo các quy định chuyên ngành và các cam kết hội nhập quốc tế.

Cơ sở về chuẩn phân ngành mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư áp dụng được thực hiện theo các quyết định ban hành ngày 23/1/2007 và ngày 10/7/2007. Theo đó, FPT hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Cụ thể, lĩnh vực hoạt động chính của FPT thuộc nhóm ngành thông tin và truyền thông, bao gồm hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính; các hoạt động viễn thông có dây; quản trị hệ thống máy vi tính…

Ở nhóm ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo, FPT có các hoạt động liên quan đến máy vi tính, điện thoại, sửa chữa máy móc thiết bị.

Ở nhóm ngành giáo dục và đào tạo, FPT có hoạt động đào tạo đại học và sau đại học…

Ở nhóm ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, FPT có các hoạt động quảng cáo, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận.

Ở nhóm ngành hoạt động kinh doanh bất động sản có FPT City.

Ở nhóm ngành bán buôn, bán lẻ có hoạt động phân phối thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, điện thoại, máy tính…

Ở nhóm ngành hoạt động dịch vụ khác thì bao gồm sửa chữa máy vi tính, thiết bị liên lạc…

Và mới đây, FPT còn dự kiến tham gia đầu tư vào nhóm ngành nông nghiệp.

Nếu xét theo 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, FPT có nhiều mảng hoạt động nằm trong danh sách này. Đơn cử, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản; kinh doanh dịch vụ viễn thông, kinh doanh dịch vụ mạng xã hội, trò chơi trên mạng; kinh doanh dịch vụ thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; kinh doanh dịch vụ truyền hình theo yêu cầu; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin trên mạng viễn thông di động, mạng internet; hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài; kinh doanh sản xuất phim (FPT Media); kinh doanh dịch vụ quảng cáo; hoạt động kinh doanh báo chí (VnExpress)…

Trong những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện trên, hiện nhiều lĩnh vực chưa có quy định riêng về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Chẳng hạn, điều kiện với hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin trên mạng viễn thông di động, mạng internet bao gồm là tổ chức, DN thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng; có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động; có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

Hay điều kiện để phát triển mạng viễn thông trong phạm vi toàn quốc (một trong những lĩnh vực trước đây FPT đã tham gia, với thương vụ M&A với EVN Telecom) bao gồm DN phải có vốn pháp định 300 tỷ đồng Việt Nam; mức cam kết đầu tư: ít nhất 1.000 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên và ít nhất 3.000 tỷ đồng Việt Nam trong 15 năm để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép…

Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBCK, với những ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chưa có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, tạm thời vẫn áp dụng mức tối đa như hiện tại là 49%.

Khi danh mục ngành nghề này được công bố chính thức, trong đó có những ngành, lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu trên 49%, thì quyết định nới room lên trên mức này sẽ tự động có hiệu lực, mà không phải chờ thêm văn bản hướng dẫn.

Hiện danh mục 267 ngành nghề có điều kiện đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Tại kênh thông tin này, Bộ cũng đã thống kê những điều kiện cụ thể (do các bộ chuyên ngành ban hành đối với từng ngành nghề). Tuy nhiên, như đã đề cập, hầu hết các ngành nghề này đều chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Vậy theo ông Long, có thể hiểu room ở FPT là 49% trừ khi tới đây cơ quan quản lý có thêm các quy định mới.

Theo thông tin mà ĐTCK có được, dự kiến trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không có thêm các quy định nào liên quan đến điều kiện kinh doanh của những ngành nghề đã được thống kê và công bố trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Trong hơn 2 tuần qua, kể từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP được ban hành, rất nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài đã liên hệ với FPT để trao đổi về câu chuyện nới room. Bản thân lãnh đạo DN này cũng đi tìm câu trả lời về room cho DN mình qua nhiều kênh, cả ở cơ quan quản lý và các tổ chức tư vấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, câu trả lời là: tiếp tục chờ.

Trên 2 sàn thứ cấp có khoảng 30 DN đã kín room, trong đó bao nhiêu DN niêm yết rơi vào trường hợp như của FPT?       

Tin bài liên quan