Nới “room” không phải là thần dược

Nới “room” không phải là thần dược

Kỳ vọng vào việc mở “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài tạo tâm lý hứng khởi trên thị trường chứng khoán mấy phiên gần đây, nhưng không thể khiến thị trường bùng nổ thời gian tới.

Nội dung được quan tâm nhất liên quan Dự thảo quyết định về tỷ lệ tham gia (“room”) của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam là việc nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tới 60% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty niêm yết.

Ngoài ra, một số điểm đáng chú ý khác là, nhà đầu tư nước ngoài có thể được phép mua không giới hạn cổ phiếu không có quyền biểu quyết, được sở hữu đến 100% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, được mua đến 100% vốn của một quỹ đầu tư…

Những thông tin liên quan đến nới “room” đã tạo không khí khá hứng khởi trên thị trường trong ngắn hạn. Sau phiên hào hứng ngày 18/11, VN-Index đã điều chỉnh giảm điểm trong phiên tiếp theo (19/11). Sau đó, phiên giao dịch ngày 20/11, VN-Index chỉ tăng 0,81 điểm, lên 505,52 điểm; HNX-Index cũng chỉ tăng 0,26 điểm, lên 64,62 điểm.

Động thái tăng điểm của thị trường chủ yếu được dẫn dắt bởi các cổ phiếu đã kịch “room” khối ngoại và các mã “blue-chips” như VNM (Vinamilk), REE (Cơ điện lạnh), FPT (Công nghệ FPT), SSI (Chứng khoán Sài Gòn)…

Thực chất, khả năng nới “room” tạo tâm lý hào hứng cho các nhà đầu tư là điều dễ hiểu, bởi khi tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài lớn hơn đồng nghĩa với cơ hội gia tăng sức cầu lớn hơn cho thị trường do việc mở rộng tham gia của khối ngoại.

Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Vina Capital, nếu tỷ lệ giới hạn đối với các nhà đầu tư nước ngoài được mở rộng, dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam có thể sẽ được khơi thông hơn thông qua thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, cơ hội tốt có thể sẽ mở ra nếu như giới hạn tham gia của nhà đầu tư nước ngoài được nới lỏng.

Ông Vũ Ngọc Tú, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã NVT, sàn HOSE) cho biết, nếu quyết định nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài được thông qua, rất có thể, Ninh Vân Bay sẽ tính đến kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Trước đó, hồi giữa năm 2013, Ninh Vân Bay đã phát hành 30 triệu cổ phần cho Recapital Investment. Sau giao dịch này, vốn điều lệ của Ninh Vân Bay đã tăng gấp 1,5 lần, từ 605 tỷ đồng lên 905 tỷ đồng.

Nhờ sự hậu thuẫn từ vốn và kinh nghiệm quản lý của đối tác chiến lược nước ngoài, hoạt động kinh doanh của Ninh Vân Bay đã cải thiện rõ rệt. Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, công ty này đã đạt lợi nhuận sau thuế 35 tỷ đồng, so với lợi nhuận âm 23 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2012.

Theo các nhà quan sát thị trường, kỳ vọng của giới đầu từ về sức cầu khối ngoại trước Dự thảo mở “room” là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, sự bùng nổ sức cầu trên diện rộng là điều khó xảy ra, vì các nhà đầu tư ngoại sẽ chỉ quan tâm đến các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt. Do đó, rất nhiều cổ phiếu có thể còn thừa “room”, mà khối ngoại không quan tâm.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán FPTS, điểm đáng chú ý là diễn biến bán ròng của khối ngoại trong 4 phiên liền tuần trước và những phiên đầu tuần này. Đây được xem là yếu tố làm giảm lực hỗ trợ cho xu hướng thị trường.

Trong đó, trên sàn TP.HCM phiên 18/11, khối ngoại mua vào hơn 2,4 triệu chứng khoán, nhưng lại bán ra tới hơn 2,9 triệu chứng khoán (bán ròng 10 tỷ đồng). Trong phiên 20/11, khối ngoại tiếp tục bán ròng, khi chỉ mua vào 7,7 triệu chứng khoán, nhưng bán ra tới hơn 8,7 triệu chứng khoán (bán ròng hơn 23 tỷ đồng).