Sau khi việc mở room lên 49% đi vào thực tiễn, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Như vậy, sau thời gian mong đợi của thị trường, việc ban hành Thông tư 123/2015/TT-BTC sẽ giúp việc nới room lên 49% cho nhà đầu tư nước ngoài sớm đi vào thực tiễn.
“Đây sẽ là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Khối ngoại vào chứng khoán sẽ phụ thuộc vào việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, họ đang đợi danh sách công ty còn room cho nhà đầu tư nước ngoài và những lĩnh vực, ngành nghề nào hạn chế”, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital nói.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc mở room là xu thế tất yếu cần phải triển khai. Chủ trương nới room đã có từ 2 năm nay, nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để tiến hành. Hiện nay, nếu các ngành nghề kinh doanh không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì hoàn toàn có thể nới room lên 100%. Các điều kiện này sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam, như sắt thép, bán lẻ…
Bên cạnh đó, các sản phẩm chứng khoán phái sinh cũng đang trong quá trình hoàn thiện để được triển khai. Cùng với đó, sự hồi phục của thị trường chứng khoán sẽ là điều kiện để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và đẩy mạnh làn sóngM&A trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm danh mục đầu tư ở các doanh nghiệp Việ Nam.
Theo ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành của Baker & Mckenzie, với nhà đầu tư nước ngoài, việc được nới room lên 49% được xem là điều kiện tốt nhất khi tìm kiếm cơ hội ở thị trường Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, TS. Cấn Văn Lực cho biết, Việt Nam đã mở cửa đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể được mua 100% vốn khi có sự đồng ý của Chính phủ. Tỷ lệ 20 - 30% tuy chưa phải nhiều, nhưng đã nới so với trước đây. Còn đối với khối doanh nghiệp, thì Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã nới room lên 49% cho nhà đầu tư nước ngoài. Các quy định trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đã khá thông thoáng. Vì thế, theo TS. Lực, khả năng luồng vốn ngoại chảy vào Việt Nam sẽ mạnh hơn trong thời gian tới, nhất là thông qua con đường M&A.
Hoạt động M&A diễn ra khá sôi động tại Việt Nam, song xét về giá trị các giao dịch này còn khá nhỏ. Có 3 đặc điểm khiến cho giao dịch của các thương vụ M&A Việt Nam còn nhỏ hơn các nước trong khu vực.
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ và vừa, chiếm đến 97%. Quy mô của những doanh nghiệp Việt Nam nói chung hiện cũng nhỏ hơn nhiều so với doanh nghiệp các nước trong khu vực.
Thứ hai, trong quá trình tái cấu trúc cũng như đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, chúng ta chỉ tập trung cổ phần hóa, tái cơ cấu và bán cổ phần của những công ty con trước và công ty mẹ để sau. Vì thế, giá trị các thương vụ M&A của Việt Nam còn nhỏ hơn so với các nước trong khu vực cũng là điều đương nhiên.
Thứ ba, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua còn khá dè dặt, vì họ phải tìm hiểu lộ trình và khả năng thành công trước khi quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, sau khi việc mở room lên 49% đi vào thực tiễn, TS. Lực tin rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ. “Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đến Việt Nam trong thời gian tới, khi chúng ta có những thay đổi, cải cách đáng kể về chính sách và tạo điều kiện thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, M&A của thị trường Việt Nam sẽ còn sôi động hơn nữa”, TS. Lực nhấn mạnh.