Tác động tích cực trong ngắn hạn
Chia sẻ góc nhìn của mình về quyết định nới room với báo giới ngày 1/7, ông Trần Bắc Hà cho rằng, quy định mới này thể hiện hành động cụ thể của Việt Nam trong việc kiên định phát triển nền kinh tế thị trường, tham gia hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới. Điều này mang lại hiệu ứng rất tốt đối với NĐT, nhất là NĐT nước ngoài.
Còn theo ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV, trong ngắn hạn, việc nới room sẽ giúp NĐT tin rằng giá cổ phiếu sẽ tăng do được đón dòng vốn mới từ các NĐT nước ngoài. Hiện có 28 cổ phiếu (25 trên HOSE và 3 trên HNX) đã hết room, trong đó tập trung vào các công ty lớn, đầu ngành trong lĩnh vực ngân hàng, dược phẩm, công nghệ như FPT, MBB, DHG… Tuy nhiên, không phải toàn bộ các cổ phiếu này sẽ được nới room ngay, do nhiều công ty thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện sẽ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành.
Ông Phương cảnh báo, những NĐT thiếu thông tin hoặc nắm được thông tin chưa đầy đủ có thể coi toàn bộ 28 cổ phiếu trên sẽ được hưởng lợi từ Nghị định 60/2015 và đẩy mạnh tham gia đầu tư, giao dịch các mã cổ phiếu này, khiến thị trường sôi động hơn, nhưng đi kèm với đó là rủi ro ngắn hạn tăng lên do biến động giá mạnh hơn. Do đó, trong ngắn hạn, các tác động tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra như: hiện tượng bơm thổi thông tin, làm giá cổ phiếu…
Đột phá về thu hút vốn FII trong dài hạn
Nhìn nhận về tác động dài hạn của quyết định nới room, ông Trần Bắc Hà cho rằng, đây là tín hiệu tích cực mới, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần ở một số ngành, lĩnh vực nhận thấy không cần nắm giữ, qua đó mở ra cơ hội gia tăng sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước.
“Nghị định 60 là bước đột phá về chính sách thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII)”, ông Phương nói và cho rằng, sẽ có tác động tích cực đến TTCK trong dài hạn trên nhiều khía cạnh:
Thứ nhất, minh bạch hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đầu tư của nước ngoài. Để triển khai Luật Đầu tư sửa đổi và Nghị định 60, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành danh mục các lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các quy định liên quan tới vốn đầu tư nước ngoài.
Những quy định nằm rải rác, chồng chéo và lỗi thời ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gây khó khăn cho hoạt động đầu tư của NĐT trong nhiều năm qua sẽ được hệ thống lại, loại bỏ các quy định lỗi thời, nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Qua đó không chỉ thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp ở các lĩnh vực mới, mà còn hỗ trợ cho dòng vốn FII tham gia tích cực hơn trên TTCK Việt Nam.
Thứ hai, với quy định tại Nghị định 60, một mặt sẽ thu hút thêm dòng vốn FII, mặt khác vẫn đảm bảo kiểm soát của Nhà nước đối với các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm như: quốc phòng, ngân hàng, viễn thông…
Thứ ba, dòng vốn FII có hiệu ứng trước mắt với những công ty hết room và dần mở rộng ra với các công ty đã niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán tập trung, các công ty đại chúng chưa niêm yết và các công ty cổ phần khác thông qua việc thực hiện các thương vụ M&A. Thị trường M&A có cơ hội phát triển, qua đó giúp tái cấu trúc TTCK và cho ra đời các chứng khoán có chất lượng cao.
Thứ tư, yếu tố ngoại sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN. Trong bối cảnh thắt chặt dòng tiền nội do ảnh hưởng ngắn hạn bởi Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước, quy định mới tại Nghị định 60 giúp nâng cao sức cầu cho TTCK, hỗ trợ cho quá trình cổ phần hóa DNNN.
Thứ năm, sự hiện diện gia tăng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam sẽ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và tính đa dạng NĐT cho thị trường, qua đó giảm bớt phần nào những tác động tiêu cực từ các hoạt động liên kết làm giá.
Trả lời câu hỏi của ĐTCK, trong lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ sở hữu tối đa áp dụng đối với NĐT nước ngoài là 30% và theo Nghị định 60 có mở room hay không là do DN quyết định, BIDV có nới room hay không, Chủ tịch Trần Bắc Hà cho biết, điều này có liên quan chặt chẽ đến quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược của BIDV. Theo phương án cổ phần hóa BIDV, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước không thấp hơn 65%, bán cho NĐT nước ngoài tối đa là 30%. Từ định hướng này, BIDV đang tìm kiếm 2 NĐT chiến lược nước ngoài. Trong đó sẽ bán 15-20% cổ phần cho NĐT chiến lược hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và bán 10% cho một NĐT thông thường. Hiệu ứng tích cực của kinh tế vĩ mô và Nghị định 60 đang hỗ trợ tốt cho TTCK, nên BIDV dự kiến hoàn tất bán cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài trong năm 2016. |