Sáng kiến 1: Các bộ, ngành cần thống nhất lại
Trong diễn đàn bàn chính sách thu hút vốn ngoại vào Việt Nam, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nêu quan điểm, việc có quá ít DN nới room, ngoài nguyên nhân chủ quan do bản thân cổ đông DN không muốn, thì còn có những vướng mắc pháp lý hiện hữu.
Thứ nhất, đa số các DN đại chúng đều đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà pháp luật chuyên ngành chưa quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Với những DN này, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49% theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP. Thực tế, nhiều DN trước khi nới room đã phải thực hiện việc bỏ bớt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể bỏ bớt, nếu ngành nghề cần bỏ đang có đóng góp đáng kể vào hiệu quả của DN.
5 doanh nghiệp vừa quyết định nới room ngoại lên 100% là CTCP Thép Việt Ý, CTCP Dược Hậu Giang, Tổng công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí, CTCP Tập đoàn KIDO và CTCP Chứng khoán Bản Việt.
Thứ hai, với các DN mạnh dạn nới room, khi sở hữu nước ngoài chiếm trên 51% thì theo Luật Đầu tư, DN sẽ phải chịu nhiều sự hạn chế. Cụ thể, DN phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC.
Tức là DN sẽ bị giới hạn về room nước ngoài khi đầu tư, góp vốn, mua cổ phần vào DN khác như nhà đầu tư nước ngoài. Quy định này buộc các DN phải cân nhắc bài toán được - mất.
Và bài toán khó nhất là khi DN đã đưa cổ phiếu lên sàn, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại thay đổi hàng giờ, hàng phút, DN làm thế nào để biết được thời điểm nào room vượt 51%, thời điểm nào thấp hơn để tuân thủ đúng quy định tại Luật Đầu tư?
Thứ ba, các DN nới room sẽ chịu các ràng buộc nhất định trong hoạt động kinh doanh theo hướng chặt chẽ hơn so với DN trong nước. Chẳng hạn, khi có trên 51% vốn ngoại, DN muốn mua cổ phần trên TTCK sẽ phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Với các công ty chứng khoán (CTCK) có nước ngoài nắm trên 51% thì sẽ phải chịu ràng buộc về tự doanh, thanh toán, vay và cho vay đầu tư chứng khoán theo hướng chặt hơn các CTCK nội địa.
Trong hoạt động thực tế, các DN có 51% vốn ngoại trở lên sẽ không được kinh doanh một số ngành nghề như phân phối lúa gạo, đường mía, thuốc lá, dầu thô, dược phẩm, đưa người Việt Nam đi làm việc nước ngoài…
Đó là chưa kể các DN hoạt động trong những ngành mà các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhận diện những khó khăn trên, ông Sơn cho rằng, song song với việc sửa Luật Chứng khoán, phương án tốt nhất là các bộ, ngành cùng phối hợp lại, ban hành một danh mục cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu có một danh mục như vậy thì nhà quản lý, nhà đầu tư và các DN điều thấy rõ không gian nới room và căn cứ vào đó để quyết định việc này.
Sáng kiến 2: Luật Đầu tư không áp dụng với công ty đại chúng
Theo quan sát của Báo Đầu tư Chứng khoán, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP đến nay, vướng mắc về room luôn xuất hiện trong hàng loạt kiến nghị của nhà đầu tư, của DN với nhà quản lý.
Các ý kiến đều chỉ ra hiện trạng vướng mắc, nhưng làm cách nào để xử lý những điểm vướng đó, khi một bên là Luật Đầu tư, một bên là các văn bản cấp nghị định, thông tư điều tiết TTCK, là bài toán chưa có lời giải khả thi.
Trong kiến nghị chính sách phát triển TTCK 2018, Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đưa ra một gợi mở đáng xem xét. Theo công ty này, do Chính phủ đang trong giai đoạn nghiên cứu sửa đổi cả Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán, nên đây là cơ hội thuận lợi nhất định định hình lại bài toán về room.
Theo đó, Luật Đầu tư mới cần có quy định, Luật này không áp dụng đối với các công ty đại chúng, quỹ đầu tư đại chúng, từ đó cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% trong các công ty đại chúng, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể, rõ ràng về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn. Quy định như vậy sẽ giúp bài toán nới room “giải được”. Theo SSIAM, chính sách như vậy sẽ tăng sức hút nguồn vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.
Ai đó từng nói, nếu tìm ra cách giải được tường tận bài toán nới room tại Việt Nam thì người ấy xứng đáng được đề cử trao giải Nobel. Tuy nhiên, đó là nhận xét vui trong bối cảnh 2 năm qua, các “bộ óc” tốt nhất cũng không tìm ra lời giải trọn vẹn, phù hợp với các luật hiện thời.
Sửa luật là cơ hội để thay đổi yếu tố đầu vào (đầu bài) cho bài toán nới room tại Việt Nam. Đầu bài mới phải làm sao để bài toán có thể giải được, vượt qua tình trạng bế tắc (vừa làm, vừa lo) như gần 2 năm qua.