Nỗi niềm nhà đầu tư đặt niềm tin nhầm chỗ (kỳ 3): Khi lãnh đạo "tháo chạy"

Nỗi niềm nhà đầu tư đặt niềm tin nhầm chỗ (kỳ 3): Khi lãnh đạo "tháo chạy"

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán khởi sắc, nhưng vẫn có hàng trăm cổ phiếu lao dốc vì bị xử phạt vi phạm công bố thông tin, vi phạm chính sách thuế, bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên báo cáo tài chính, thua lỗ bất ngờ… Nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin nhầm chỗ vào những cổ phiếu dạng này dở khóc dở cười không biết nên cắt lỗ hay chờ doanh nghiệp “hồi sức” trở lại.

Kỳ 3: Lãnh đạo thoái vốn, cổ đông ôm cổ phiếu giảm sàn

Kinh doanh bình thường”, lãnh đạo ATG vẫn bán ra

Sau gần 2 năm niêm yết, cổ phiếu ATG của CTCP An Trường An đã để lại nỗi đau cho không ít nhà đầu tư.

Tháng 8/2016, 15,2 triệu cổ phiếu ATG niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu 11.500 đồng/cổ phiếu. Hiệu ứng lên sàn đã giúp cổ phiếu này hưng phấn trong hơn 1 tháng giao dịch, có thời điểm đạt 16.000 đồng/cổ phiếu.

Nhưng từ tháng 12/2016, ATG có tới 30 phiên giảm giá liên tục, rơi xuống còn 1.600 đồng/cổ phiếu. Thị giá của ATG có sự hồi phục nhẹ vào giữa năm 2017 nhưng sau đó lại rơi tiếp, hiện đạt 2.370 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 9/4/2018).

Ban lãnh đạo ATG đã có giải trình khẳng định hoạt động kinh doanh - sản xuất của Công ty vẫn bình thường, việc giảm giá là do những bất lợi của thị trường chứng khoán giai đoạn đó. Tuy nhiên, việc hàng loạt cổ đông nội bộ, trong đó có Chủ tịch Hội đồng quản trị và cá nhân liên quan “tháo chạy” trước đà giảm của ATG dường như đi ngược lại với những thông tin trấn an cổ đông của lãnh đạo ATG.

Cổ tức, vốn là quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư và cũng là một chỉ báo về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, cũng không được ATG thanh toán cho cổ đông kể từ khi lên sàn đến nay. Đó là chưa kể, ATG là cái tên thường xuyên bị nhắc nhở vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

ATG được thành lập thành lập năm 2005, với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, tại thời điểm niêm yết, vốn điều lệ của ATG là 152 tỷ đồng. Con số này hầu như không thay đổi cho đến nay, nhưng quy mô của Công ty giảm đáng kể.

Từ doanh nghiệp với hơn 154 lao động, mới đây, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh số lượng công nhân viên của ATG chỉ dao động 7 - 10 người. Điều gì khiến Công ty cắt giảm lượng lớn nhân sự trong thời gian chỉ chưa đầy 2 năm hoạt động?

Giải thích cho điều này, ATG cho hay, năm 2017, Công ty không còn hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, mà tập trung cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ và dự án Khu du lịch Thủy Sơn Trang.

Theo công bố của ATG, dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ tại Hàm Tân, Bình Thuận có tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, được thực hiện bởi chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ có vốn điều lệ 355 tỷ đồng, do ATG góp 155 tỷ đồng và ông Trương Đình Xuân góp 200 tỷ đồng để thực hiện. Phần còn lại là 1.945 tỷ đồng là từ nguốn vốn huy động trong đó huy động từ nguồn tiền thuê lại đất của các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp là 972,5 tỷ đồng.

Năm 2017, ATG ghi nhận doanh thu 107 tỷ đồng, tăng hơn 2,2 lần so với năm 2016, nhưng chủ yếu đến từ kinh doanh nông sản, vốn không nằm trong lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty !? Hơn nữa, dù doanh thu tăng mạnh, nhưng cả năm ATG chỉ ghi nhận vỏn vẹn 1,1 tỷ đồng lãi ròng. Hoạt động kinh doanh gặp khó, trong khi đó lãnh đạo Công ty lại liên tục có động thái thoái vốn.

Tại thời điểm niêm yết, ông Trương Đình Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ATG và các cổ đông có liên quan là vợ và con ông Xuân nắm giữ hơn 37% vốn, nhưng đến nay tỷ lệ sở hữu của ông Xuân chỉ còn 7,96%, các cá nhân liên quan khác đã thoái hết vốn tại ATG.

Nhiều cổ đông không khỏi hoang mang khi điều gì ở một doanh nghiệp mà những cổ đông sáng lập lại từ bỏ chính “đứa con” mà họ tạo ra?

“Để làm bất động sản khu công nghiệp, thu hút nhà đầu tư trở lại, điều ATG cần là thay đổi chính mình, phải minh bạch và tử tế”, một cổ đông đang nắm cổ phiếu ATG chia sẻ. 

Đó cũng là tâm tư của nhiều cổ đông đang nắm giữ ATG trước quyết định nên đi hay ở lại chờ ngày cổ phiếu này hồi phục?

… và nhiều trường hợp tương tự

Trên sàn chứng khoán, có không ít cổ phiếu khi đang “cắm đầu” lao dốc thì bị lãnh đạo doanh nghiệp bồi thêm bằng hành động bán ra.

Chẳng hạn, tại CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG), sau thông tin bị truy thu thuế và tình hình kinh doanh sa sút, lãnh đạo và một loạt cổ đông nội bộ của Công ty lần lượt bán ra. Từ mức đỉnh hơn 73.000 đồng/cổ phiếu, hiện cổ phiếu SKG đã giảm sâu và hiện dao động ở mức 26.500 đồng/cổ phiếu.

Tại thời điểm giải trình với cổ đông về việc bán ra của một số cổ đông nội bộ, SKG có nhấn mạnh ông Puan Kwong Siing, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc SKG nắm hơn 10,3 triệu cổ phiếu SKG chưa có động thái bán ra trong vòng 1 năm qua. Tuy vậy, trong vòng 6 tháng qua, ông Puan Kwong Siing đã thoái bớt vốn và đến nay chỉ còn nắm giữ 7,9 triệu cổ phiếu, tương đương 15,3% vốn tại SKG.

Việc bán ra cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp là bình thường và đúng luật, tất nhiên trong bối cảnh cũng “bình thường”. Nhưng nếu động thái này diễn ra trong thời điểm cổ phiếu đang rơi mạnh, cổ đông có quyền nghi ngờ vào việc lãnh đạo, cổ đông lớn và người có liên quan “tháo chạy” do biết rõ tình hình kinh doanh thiếu tích cực. Và thực tế cho thấy, nhiều cổ đông, nhà đầu tư đã phải nếm trái đắng khi mắc kẹt với đống cổ phiếu giảm sâu sau khi lãnh đạo doanh nghiệp rút vốn.

Tin bài liên quan