Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của toàn thị trường đạt trên 866 tỷ đồng.
Có 19 doanh nghiệp tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm này, nhưng riêng 4 công ty bảo hiểm hàng đầu là PVI, Bảo Việt, PTI và Liberty đã chiếm đến 91,4% tổng doanh thu. Bảo hiểm sức khỏe thu về kết quả khả quan không chỉ vì một số DNBH chọn sản phẩm này là một trong những “mũi nhọn” bán lẻ, mà thực tế, người dân đã thực sự quan tâm hơn đến sức khỏe của mình.
Không chỉ tìm hiểu thông tin qua đại lý, số lượng khách hàng hỏi về bảo hiểm sức khỏe trên Facebook ngày càng gia tăng. Đại diện Công ty bảo hiểm Liberty cho biết, trong năm 2014, bình quân mỗi tháng chỉ có vài người hỏi về bảo hiểm sức khỏe qua Facebook của Liberty, nhưng 6 tháng đầu năm nay, hầu như ngày nào cũng có người hỏi.
Tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, việc bán bảo hiểm online đã được một số công ty bảo hiểm đầu tư bài bản và triển khai từ rất sớm, chẳng hạn như Liberty, BIC hay PTI…
Những người có nhu cầu mua bảo hiểm chỉ cần truy cập trang web của công ty là được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, quy tắc bảo hiểm, mẫu đơn, mức phí, hay hệ thống bệnh viện chấp nhận thẻ bảo hiểm… Vấn đề còn lại là chọn mua sản phẩm nào cho đúng với nhu cầu bảo vệ sức khỏe cá nhân của khách hàng.
Đại diện một DNBH có thị phần lớn về bảo hiểm sức khỏe chia sẻ, doanh thu bảo hiểm sức khỏe tăng trưởng nhanh vì ngày càng có nhiều doanh nghiệp mua bảo hiểm cho cán bộ, nhân viên và coi đây là một chính sách trong việc đảm bảo quyền lợi cho nhân viên. Ngoài ra, có một lý do khác là một số DNBH có xu hướng tăng phí do tỷ lệ bồi thường tăng cao.
Đối với việc “bán buôn” bảo hiểm sức khỏe, các DNBH tập trung vào đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ...
Không chỉ tăng trưởng ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp, hiện nay, bảo hiểm sức khỏe rất được các bậc phụ huynh ưa chuộng, nhất là những gia đình có con đau ốm, nằm viện thường xuyên. Thực tế, đã có rất nhiều gia đình tiết kiệm đáng kể chi phí nằm viện cho con nhờ việc mua bảo hiểm sức khỏe sớm và định kỳ.
Tuy nhiên, người Việt Nam vẫn có suy nghĩ “mua bảo hiểm để dùng”, chứ không phải “mua bảo hiểm để yên tâm”, nên mảng bảo hiểm sức khỏe cá nhân/gia đình thường có tỷ lệ bồi thường cao hơn là các khách hàng doanh nghiệp.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận, nhiều khách hàng cá nhân chỉ mua bảo hiểm sức khỏe khi cảm thấy nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế tăng lên như: mua cho con nhỏ hoặc bố mẹ già, mua khi chuẩn bị thai sản,...
Chính vì thế, một số DNBH chủ trương tập trung bán bảo hiểm sức khỏe cho doanh nghiệp, đồng thời thắt chặt điều khoản và tăng mức phí đối với các sản phẩm bán cho từng cá nhân.
Đối với việc “bán buôn”, một chuyên gia trong ngành cho rằng, bán bảo hiểm cho các doanh nghiệp mà có nhiều nhân viên nữ ở độ tuổi sinh đẻ, có thể khiến công ty bảo hiểm phi nhân thọ phải chi trả rất nhiều. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường chung của nghiệp vụ này 6 tháng đầu năm 2015 là khoảng 40%.
Bên cạnh niềm vui vì sự tăng trưởng của nghiệp vụ này, các công ty bảo hiểm vẫn còn nhiều lo ngại vì bảo hiểm sức khỏe là nghiệp vụ có tỷ lệ trục lợi khá cao, từ những ca bệnh đơn giản như nhổ răng đến phức tạp như sinh đẻ, phẫu thuật…
Các DNBH đã thống kê một số hình thức trục lợi chủ yếu mà khách hàng hay sử dụng và công ty bảo hiểm khó kiểm soát hết, đó là: người được bảo hiểm phối hợp với cơ sở y tế/bác sỹ làm hồ sơ không trung thực; phối hợp với nhà thuốc đề trục lợi, không mua thuốc để điều trị nhưng mua hóa đơn về để thanh toán; kê khai không trung thực về rủi ro, làm sai lệch tình tiết trong hồ sơ, chẳng hạn bị tai nạn do tham gia giao thông có sử dụng chất kích thích nhưng người được bảo hiểm kê khai trong bản tường trình tai nạn là tai nạn sinh hoạt tại nhà…
“Vấn đề trục lợi bảo hiểm trong lĩnh vực này hiện nay vẫn còn tồn tại, nếu không nói là có phần nghiêm trọng hơn trước đây”, đại diện một công ty bảo hiểm chia sẻ.