Nỗi niềm môi giới chứng khoán thời... ế ẩm

Nỗi niềm môi giới chứng khoán thời... ế ẩm

(ĐTCK) TTCK suy giảm về điểm số và rơi sâu về thanh khoản khiến nỗi lo không đạt kế hoạch kinh doanh đang dội lên vai nhiều lãnh đạo CTCK.

Chia sẻ với Người quan sát, tổng giám đốc một CTCK cho biết, với bối cảnh này, công ty phải cắt giảm tối đa các khoản chi phí, nhưng vẫn không hy vọng cuối năm hoàn thành kế hoạch và có khoản thưởng ít nhiều cho nhân viên.

Môi giới thực ra không phải là nghiệp vụ tạo ra lợi nhuận cho CTCK, bởi cho đến lúc này, các CTCK tại Việt Nam vẫn chủ yếu cạnh tranh bằng phí và hoa hồng trả cho người môi giới, nên đã vô tình cùng “hò” nhau giảm đến mức thấp nhất. Với mức phí sàn là 0,15%, mặt bằng phí môi giới các CTCK thu của nhà đầu tư hiện nay được thiết kế theo hướng lũy tiến (giao dịch càng nhiều, phí càng giảm), nếu giao dịch trên 1 tỷ đồng/ngày thì các CTCK chỉ thu phí 0,15%.

Theo tính toán của một CTCK trong Top 10, ở mức phí thu được của nhà đầu tư 0,15%, CTCK phải trả cho Sở GDCK 0,03% (mức phí với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết); trả cho môi giới 50% phần còn lại, phần thực thu của CTCK chỉ còn 0,06%.

Mức thực thu này phải cõng theo các khoản trang trải cho địa điểm, máy móc, đường truyền... để duy trì dịch vụ, nên tính sòng phẳng thì nhiều CTCK lỗ, chứ không kiếm được gì từ môi giới. Khi thị trường giao dịch sôi động và tăng trưởng, môi giới là dịch vụ nền để CTCK kiếm tiền từ dịch vụ tài chính, tự doanh, tư vấn..., nên việc lãi/lỗ từ mảng môi giới không quan trọng. Tuy nhiên, khi thị trường ảm đạm, mọi nghiệp vụ đều ngưng trệ, nhìn sang môi giới dễ thấy những điểm chạnh lòng.

Lãnh đạo một số CTCK chia sẻ, việc họ phải đóng 20% phí môi giới cho nhà quản lý TTCK là quá cao so với những dịch vụ và không gian kinh doanh mà CTCK được hưởng. Vài năm nay, quy định về không gian kinh doanh của CTCK bộc lộ nhiều điểm bất cập, nhưng mãi chưa được sửa đổi. Chẳng hạn, về giao dịch ký quỹ, UBCK ban hành quy định này từ năm 2011, nay đã lỗi thời.

Cụ thể, theo quy định, các Sở soát xét danh mục cổ phiếu cho vay ký quỹ theo thông tin quá khứ và 3 tháng soát xét một lần, trong khi đầu tư chứng khoán là đầu tư vào kỳ vọng và CTCK tiếp cận DN niêm yết trực tiếp, cập nhật “sức khỏe” của các DN niêm yết hơn nhà quản lý rất nhiều. Hơn thế, quy định CTCK chỉ được cho vay ký quỹ tối đa 50% giá trị khoản đầu tư là can thiệp quá sâu vào nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của các DN.

Một điểm bó buộc khác là không gian tìm vốn mới của CTCK. Với quy định hiện hành (Thông tư 210/2012/TT-BTC), CTCK chỉ được vay tối đa 3 lần vốn điều lệ và chỉ được vay từ các ngân hàng, khiến CTCK bị bó buộc việc tìm nguồn tiền mới.

Trong khi Thông tư 36/NHNN thắt chặt dòng tiền từ ngân hàng vào chứng khoán, thì tự thân ngành chứng khoán cần sớm cởi trói cho chính mình, tạo không gian cho các CTCK tìm vốn để duy trì dòng chảy đầu tư trên thị trường. Dù đã có nhiều kiến nghị, nhưng các CTCK vẫn chưa thấy có sự chuyển biến chính sách nào.

Gần đây, ý tưởng về giao dịch T+0, rút ngắn thời gian giao dịch T+2 hay đưa sản phẩm mới NVDR, chứng quyền... vào thực thi, đã tạo nên những kỳ vọng mới về thanh khoản, nhưng điều cần nhất là thời điểm triển khai cụ thể vẫn chưa có. Trong khi đó, những sản phẩm được xây dựng theo chuẩn mực của TTCK thế giới như quỹ mở, quỹ trái phiếu, quỹ ETF..., khi áp dụng vào Việt Nam lại ế ẩm, hầu như không nhà đầu tư nào quan tâm.

TTCK suy giảm, không chỉ nhà đầu tư khổ, CTCK còn khổ hơn nhiều…

Tin bài liên quan