Điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á
Tháng 7/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các doanh nghiệp, quỹ đầu tư sang Mỹ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, nhằm xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng trong lĩnh vực tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Cùng thời gian này, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP, theo đó cho phép mở tối đa tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) tại một số ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Nghị định này có hiệu lực từ tháng 9/2015.
“PYN Elite đã tăng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam từ 43% tổng danh mục đầu năm 2014 lên 84% tổng danh mục đầu tư vào cuối tháng 9/2015, đồng thời rút gần hết vốn từ thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Thái Lan để đầu tư vào Việt Nam” - ông Petri Deryng, Giám đốc PYN Elite, đơn vị quản lý Quỹ Mutual Fund Elite .
Số liệu NĐT nước ngoài mở tài khoản giao dịch chứng khoán mới ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy rõ tác động của 2 sự kiện trên. Nếu tháng 1/2015, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) chỉ cấp mã số giao dịch cho 40 NĐT nước ngoài, thì tháng 7, con số này là 112, tháng 8 là 136, tháng 10 là 112.
Đáng chú ý, số lượng NĐT tổ chức đăng ký và được cấp mã số giao dịch tại VSD tăng liên tục trong 3 tháng qua, tháng 8 là 28, tháng 9 là 35 và tháng 10 là 50 NĐT tổ chức.
Trao đổi với ĐTCK, ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết, trong 10 tháng đầu năm, số lượng tài khoản mở mới của NĐT cá nhân nước ngoài tại MBKE tăng 15,47%, trong đó, tài khoản NĐT tổ chức nước ngoài tăng 13,4%.
Giám đốc khách hàng tổ chức tại một CTCK khác nhận xét, 3 tháng qua, rất nhiều NĐT nước ngoài mở tài khoản để tham gia TTCK Việt Nam, đặc biệt là các NĐT tổ chức đến từ Mỹ, Nhật và châu Âu. Hiện các CTCK thường tổ chức các đợt tham quan doanh nghiệp niêm yết cho NĐT nước ngoài đến tìm hiểu về doanh nghiệp và số lượng NĐT nước ngoài đăng ký ngày càng đông. Đầu tháng 11/2015, CTCK Bản Việt cùng 6 doanh nghiệp niêm yết đã tổ chức chương trình Vietnam Access Day tại Nhật Bản để giới thiệu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Đánh giá về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, các NĐT Mỹ và Nhật Bản nhận xét, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á. GDP đang tăng dần, lạm phát được kiềm chế, môi trường đầu tư ổn định, room được nới rộng, gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do khác là những điểm cộng của Việt Nam trong mắt NĐT nước ngoài.
Ông Petri Deryng, Giám đốc PYN Elite, đơn vị quản lý Quỹ Mutual Fund Elite của Phần Lan, hiện đã đầu tư 222,6 triệu EUR vào Việt Nam cho rằng, trong 10 năm tới, Việt Nam vẫn là nơi hấp dẫn để đầu tư.
“PYN Elite đã tăng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam từ 43% tổng danh mục đầu năm 2014 lên 84% tổng danh mục đầu tư vào cuối tháng 9/2015, đồng thời rút gần hết vốn từ thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Thái Lan để đầu tư vào Việt Nam”, ông Petri Deryng chia sẻ.
Tiền nhiều nhưng ít địa chỉ giải ngân
NĐT mở tài khoản nhiều, nhưng dòng tiền thực giao dịch trên thị trường chưa thấy dấu hiệu khởi sắc.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, khối ngoại mua ròng hơn 4.100 tỷ đồng trên HOSE và 833 tỷ đồng trên HNX, trong đó khối ngoại bán ròng hơn 1.300 tỷ trong tháng 8 và 9, mua ròng 1.100 tỷ đồng trong tháng 10 và bán ròng 294 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 11. Tháng 10, khối ngoại mua vào 40 triệu cổ phiếu MBB sau khi ngân hàng này nới room, nhưng bán ra khá mạnh cổ phiếu CII, MSN, HAG, HSG.
Thực tế, một số NĐT ngoại đã tiến hành giải ngân ngay sau khi được cấp mã số giao dịch tại thị trường Việt Nam và mua các cổ phiếu niêm yết trên cả hai sàn.
Các NĐT Thái Lan tỏ ra hào hứng với các cổ phiếu ô tô như: Finansia Syrus Securities Public Company Limited đã mua gom và sở hữu gần 1,3 triệu cổ phiếu Savico (mã SVC, tương đương 5,2% vốn); Ton Poh Thailand Fund sở hữu 5,3% vốn tại Hoàng Huy (HHS), quỹ này hiện cũng đang là cổ đông lớn của SKG và sở hữu 5,79% vốn của Cotecon (CTD); Chairatchakarn sở hữu 27,55% cổ phần Ô tô Trường Long (HTL) và cử ông Chủ tịch Sumit Petcharapiratm tham gia HĐQT HTL…
Lĩnh vực được các NĐT nước ngoài giải ngân nhiều nhất là bất động sản. Cụ thể, Vincom Retail đã được Warburg Pincus rót thêm 100 triệu USD vào tháng 6/2015. VinaCapital và Dragon Capital cùng các tập đoàn tài chính khác tham gia mua 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của Novaland. Gamuda Land (Malaysia) nhận chuyển nhượng phần vốn của đối tác là Sacomreal để độc quyền đầu tư Dự án Celadon City. Dragon Capital mua 105 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của Năm Bảy Bảy (NBB). Creed Group, quỹ đầu tư của Nhật Bản đầu tư 200 triệu USD vào CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia. Quỹ đầu tư VAULT thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với Fecon (FCN) về việc nghiên cứu đầu tư tại Phú Quốc…
Tuy nhiên, nhiều NĐT tổ chức mới tham gia thị trường chủ yếu đang thăm dò và “nhìn ngắm” thị trường, lý do là chưa tìm được “hàng” để giải ngân.
Gần đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố thoái ốn tại 10 doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, FPT… đã tạo ra sự hứng khởi cho các NĐT nước ngoài, nhiều lời đề nghị được mua cổ phần Vinamilk. Nhưng hiện tại, các NĐT ngoại hiểu rằng, từ chủ trương đến thực hiện có thể là một câu chuyện dài, cho đến khi có thông tin chính thức về việc mở room ngành sữa thì lúc đó mới có cơ hội để mua Vinamilk.
Trong khi đó, nhiều tổng công ty chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) không đáp ứng được các tiêu chí đầu tư của khối ngoại. Như trường hợp gần nhất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tổng công ty này có vốn điều lệ 1 tỷ USD, nhưng chỉ bán ra 3,47% vốn điều lệ, tương đương 77,8 triệu cổ phần. Còn tại các doanh nghiệp khác thì vốn điều lệ lại quá nhỏ, vài chục tỷ đồng, chưa thực sự hấp dẫn hoặc cổ phiếu kém thanh khoản.
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức, CTCK Sài Gòn cho rằng, khối NĐT nước ngoài chưa đẩy mạnh giải ngân là do các văn bản hướng dẫn về nới room chưa hoàn chỉnh, chưa có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, các doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn, cơ bản tốt hiện tại hầu như đã hết room.
Theo ông Hưng, các NĐT ngoại vẫn đang kỳ vọng vào TTCK Việt Nam nhờ tăng trưởng GDP cao, kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động tái cấu trúc DNNN và hệ thống ngân hàng có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Việt Nam tham gia TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn, ổn định hơn, đồng thời góp phần đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Ngoài ra, với việc mở room, TTCK Việt Nam có thêm điều kiện để sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi, giúp tăng sức hút các NĐT nước ngoài.