Tại Hà Nội và TP. HCM còn hàng chục ngàn căn hộ chung cư chưa được cấp sổ hồng - Ảnh: Lê Toàn

Tại Hà Nội và TP. HCM còn hàng chục ngàn căn hộ chung cư chưa được cấp sổ hồng - Ảnh: Lê Toàn

“Nỗi niềm” chung cư không sổ hồng

(ĐTCK) Thống kê sơ bộ tại Hà Nội và TP. HCM, hiện vẫn có tới hàng chục nghìn căn hộ chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Trong hàng loạt nguyên nhân dẫn tới việc người mua căn hộ chưa chạm tay vào tấm sổ bìa hồng này, thì việc chủ đầu tư nợ tiền thuế sử dụng đất là lý do chủ yếu.

Lâu nay, khách hàng mua căn hộ chỉ chú ý đến tiến độ bàn giao nhà, vị trí, giá cả mà quên mất một yếu tố rất quan trọng, đó là tấm sổ hồng cho căn hộ của mình. Mới đây, chị H., cán bộ một tòa soạn báo ngỡ ngàng khi được thông báo bị kiện về tội lừa đảo, bán nhà nhưng không cung cấp đầy đủ thông tin. Theo phía nguyên đơn thì chị bán căn hộ cho họ đã 12 năm, mà đến nay vẫn không làm được sổ hồng.

Theo chị H. giãi bày, hơn chục năm trước, cơ quan chị xin được một số suất mua căn hộ dự án nọ, vài người chung nhau một căn. Suất mua căn hộ chị được tham gia khi chuyển nhượng cho người khác chênh được hai chục triệu. 3 - 4 người chia nhau, mỗi người cũng chỉ được dăm triệu. Nhưng khổ nỗi là chị đứng tên chủ hợp đồng, nên cứ mỗi lần người mua lại căn hộ chị từng đứng tên “lướt sóng”, chị lại phải tất tả ký lại giấy tờ chuyển nhượng cho họ. Lúc chị mua, giá căn hộ chỉ hơn 6 triệu đồng/m2, giờ thì đã 35 triệu đồng/m2…

Hỏi kỹ lý do chưa làm được thủ tục cấp sổ hồng thì chị được trả lời: “Chung cư vẫn chưa hoàn tất thủ tục”. Còn thủ tục là gì thì không ai biết!?

Trên thực tế, tình trạng các dự án chung cư hoàn thiện đã lâu, nhưng “nợ” sổ hồng không còn là chuyện cá biệt ở một vài dự án, mà lý do chủ yếu là do… chủ đầu tư nợ thuế sử dụng đất.

Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội hiện có 72 dự án đang nợ tiền sử dụng đất với tổng số tiền lên đến 3.153 tỷ đồng. Báo cáo của Cục Thuế Hà Nội tính đến ngày 31/3/2015 cho thấy, chỉ vài “ông lớn” số tiền thuế nợ đã lên đến cả nghìn tỷ đồng. Đơn cử như Dự án Tiểu khu nhà ở Đồi Dền, thị xã Sơn Tây của CTCP Thương mại và Xây dựng Á Châu nợ 231 tỷ đồng; Dự án Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán 108 Nguyễn Trãi của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội nợ 177 tỷ đồng; Dự án CTCP Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc nợ 220 tỷ đồng; CTCP Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu nợ 322 tỷ đồng... 

Còn tại địa bàn TP. HCM, tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM 3 tháng đầu năm 2015, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, số tiền thuế sử dụng đất mà các dự án trên địa bàn còn nợ lên tới khoảng 6.000 tỷ đồng.

Với dự án khó bán hàng, tài chính eo hẹp, việc bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để nộp thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất khó khăn đã đành, nhưng tại nhiều dự án đã bán hết hàng, chủ đầu tư “dư dả” cũng lần lữa với việc hoàn thành nghĩa vụ thuế đất.

Ngoài nguyên nhân chủ đầu tư nợ thuế, thì việc điều chỉnh thiết kế nội bộ nhưng chưa được cấp phép lại, chủ đầu tư thế chấp dự án tại ngân hàng cũng là những nguyên nhân khiến tấm sổ đỏ của khu đất không thể “về tay” chủ đầu tư. Gặp những trường hợp này, khách hàng chỉ còn biết… chờ đợi. Tại nhiều chung cư tại TP. HCM, người mua dọn về ở 3 - 4 năm, nhưng nay vẫn chưa làm được sổ hồng. Nếu có hỏi các hộ dân, thì hầu như họ đều chung quan điểm: “Ở đây chưa ai có. Người ta cũng thế cả, lo gì”.

Chính tâm lý “nước lụt chết cả làng” của người mua nhà cũng là cơ hội để các chủ đầu tư nợ và hậu quả là khách hàng gánh chịu thiệt thòi, nhất là khi cần chuyển nhượng căn hộ hoặc cầm cố vay vốn ngân hàng. Chưa kể tại một số dự án, chủ đầu tư làm sổ hồng cho căn hộ đứng tên nhân viên, người quen, sau đó đi cầm cố ngân hàng, còn căn hộ vẫn “vô tư” bán cho khách.

Việc làm sổ hồng vốn được các chủ đầu tư coi là “làm hộ cho khách”, nên ngay cả khi dự án có đủ tính pháp lý cũng không thể nhanh được.

“Làm sổ hồng nhanh nhất cũng mất 1 năm, thường thì năm rưỡi đến 2 năm. Chủ đầu tư làm giúp cho khách hàng nên thường gom lại làm một đợt, đôi khi còn phụ thuộc tiến độ bán hàng của dự án”, đại diện Công ty Địa ốc Hưng Thịnh chia sẻ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan