Căn cứ theo khung giá đất tại Quyết định 30/2019/QĐ-UBND, được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 20/2023/QĐ-UBND, hiện mặt đường phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) đang là nơi có giá đất cao nhất Hà Nội với 187,9 triệu đồng/m2.
Con số trên là giá đất tại vị trí 1, tức nơi có mặt tiền tiếp giáp với đường/phố, có khả năng sinh lợi và điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi.
Giá nhà giao dịch thực tế trên phố Hàng Đào cao hơn từ 4 - 5 lần so với giá quy định trong khung giá đất. Ảnh: Thanh Vũ |
Với vị trí 2, nơi nhà nằm trong ngõ rộng trên 5 m, giá đất Hàng Đào vẫn lên tới 84,5 triệu đồng/m2. Tại vị trí 3, nơi ngõ trước nhà chỉ khoảng 3 - 5 m, mức giá sẽ là 35,7 triệu đồng/m2. Cuối cùng với vị trí 4, nơi ngõ rộng dưới 3 m, giá bán sẽ ở mức 56,3 triệu đồng/m2.
Từ thế kỷ 17 tới nay, Hàng Đào vẫn luôn là con phố sầm uất và nhộn nhịp. Ảnh: Thanh Vũ |
Trong thực tế, hiện các căn nhà mặt phố Hàng Đào, đoạn dẫn ra bờ hồ Hoàn Kiếm, đang được rao bán với giá khoảng 600 triệu - 1 tỷ đồng /m2. Trong đó, những căn có diện tích vừa phải, từ 25 - 50 m2, sẽ có giá 700 triệu - 1 tỷ đồng/m2. Còn lại, những căn có diện tích lớn, ví dụ khoảng 200 m2 trở lên, sẽ có giá thấp hơn, khoảng 560 triệu đồng/m2.
Những căn nhà có diện tích và mặt tiền nhỏ tại phố Hàng Đào đang có giá thuê khoảng 35 - 50 triệu đồng/tháng. Ảnh: Thanh Vũ |
Xét trên thị trường cho thuê, những căn nhà có vị trí “vàng” tại phố Hàng Đào sẽ có giá thuê khoảng 200 triệu đồng/tháng với những căn có diện tích lớn khoảng 200 m2. Mặt khác, những căn nhỏ tầm 28 m2 sẽ có giá thuê chỉ khoảng 35 triệu đồng/tháng.
Hiện những căn nhà mặt tiền phố Hàng Đào đang tấp nập kinh doanh đồ lưu niệm, ba lô, quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ… Hoạt động mua bán rất nhộn nhịp, lượng khách hàng chủ yếu là người nước ngoài.
Hàng Đào là một trong số 36 phố cổ Hà Nội, khi xưa người dân chuyên nhuộm và bán các loại vải. Đầu phía Nam của phố là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đầu phía Bắc giáp với phố Hàng Ngang. Điều làm nên mức giá cao chót vót tại đây không chỉ nằm ở yếu tố kinh doanh mà còn bởi những giá trị về mặt văn hoá, lịch sử, địa lý - đây chính là điểm tạo nên sự “đẳng cấp” của phố cổ với hơn 800 con phố còn lại của Thủ đô.
Trên đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) - nơi lực lượng chức năng vừa tiến hành thu hồi đất để mở rộng đường, dựa trên khung giá đất, những nơi có vị trí 1 sẽ có giá 32,2 triệu đồng/m2. Vị trí 2 khoảng 18 triệu đồng/m2. Vị trí 3 là 14,8 triệu đồng/m2. Vị trí 4 là 13,2 triệu đồng/m2.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, căn nhà bán hoa tươi ở đầu đường Nguyễn Tuân được đền bù khoảng 250 triệu đồng. Ảnh: Thanh Vũ |
Theo chia sẻ của người dân địa phương, trong vụ cưỡng chế thu hồi đất vừa qua trên đường Nguyễn Tuân, các hộ sẽ được đền bù ở hai khoảng giá là 6,4 triệu đồng/m2 và 9,4 triệu đồng/m2. Nguyên nhân là bởi các căn nhà bị giải tỏa đều là đất “nhảy dù" và không có sổ đỏ.
Hiện các hộ dân đều đã đồng ý bàn giao mặt bằng. Dự kiến vào cuối năm nay, dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân sẽ được khởi công. Ảnh: Thanh Vũ |
Theo ông Bùi Đức Hùng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân, các căn nhà “không sổ" đáng lẽ sẽ không được đền bù. Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn cho người dân, trong trường hợp người dân sử dụng đất chuyển đổi trước năm 1993 sẽ được hỗ trợ 30% theo giá đất ở, còn với trường hợp từ năm 1993 – 2004, mức hỗ trợ sẽ là 20%.
Sắp tới, khung giá đất hiện tại sẽ được thay thế bằng bảng giá đất hàng năm. Với mục tiêu xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các chuyên gia nhận định rằng, bảng giá đất mới sẽ cao gấp 10 lần khung giá hiện tại. Bắt đầu từ ngày 1/1/2026, bảng giá này sẽ chính thức được áp dụng trên cả nước.
Theo quy định trong Luật đất đai 2024, bảng giá đất sẽ được sử dụng để tính toán, xác định tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; thuế thu nhập trong chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; lệ phí trong quản lý, sử dụng đất; tiền xử phạt hành chính về đất đai; tiền bồi thường đất đai khi giải tỏa; giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất...