1. Bữa tôi về căn hộ nghỉ dưỡng của gia đình thì gặp chị hàng xóm kế bên ở thang máy. Chị cười giao lưu, cho số điện thoại và hẹn bữa nào đi cà phê chơi. Sáng hôm sau nhắn tin rủ chị đi ăn sáng, chị nói đã ngồi với nhóm bạn từ sớm lắm rồi. Tới chiều tối, lại hẹn chị đi bộ dạo biển chơi, chị trả lời cũng không ở nhà vì qua nhà người bạn nấu đồ ăn.
Bữa khác, tôi nghe chị mở máy tính hát karaoke trong phòng không xài micro. Chung cư không cho phép ai hát karaoke, nhưng hát “chay” thì chắc chắn chẳng ai can thiệp. Giọng hát của chị trẻ trung, không ai nghĩ chủ nhân vừa nghỉ hưu. Chị hẹn tôi cả tháng nữa, vì chuẩn bị đi sang Úc thăm con gái.
Vợ chồng chị ly hôn đã lâu, con gái đi học và định cư ở bển. Cuộc sống một mình của chị tại Việt Nam, ai nhìn vô cũng tưởng buồn lắm, nhưng thấy lịch trình hoạt động đời thường của chị còn tất bật hơn nhiều người khác, hẳn là vẫn có bao điều thú vị.
Tuy nhiên, không phải ai cũng mang trong mình phong cách sống tích cực. Trong một lần vào bệnh viện thăm thân, tôi gặp vợ chồng cô chú đã lớn tuổi, đi chăm nhau vì cô bị viêm phế quản cấp. Cô chú sống với con trai và con dâu, nhưng vì sự khó tính quá, mà con cái cũng phải ngại. Vừa gặp được người lạ, mà cô chú không ngần ngại kể tội con dâu hỗn hào, con trai nghe lời vợ. Cách nói chuyện chì chiết con cái của cô chú, khiến người nghe cũng còn ngại ngùng.
Tới bữa ăn tối, anh con trai đi làm về vào bệnh viện ngủ qua đêm trông coi mẹ để ông về nhà nghỉ. Thấy anh nhẹ nhàng chăm sóc phụ huynh, chạy hối hả đi mua thuốc, gặp bác sĩ hỏi han bệnh tình, ai ai cũng ngạc nhiên.
Hỏi chuyện ra, anh cười xòa nói ông bà khó quá, việc nhỏ cũng thành việc lớn. Con cái mua đồ ăn biếu cha mẹ thì ông bà chê không hợp vệ sinh. Con cái mua về tự ăn thì ông bà nói bất hiếu. Mà việc khó tính này, có từ thời ông bà còn đang đi làm.
Mấy đứa con, không ai được ông bà thấy ưng cái bụng. Khó trong nhà như vậy, nên ông bà chẳng chơi với ai bên ngoài. Từ bà con dòng họ tới bà con hàng xóm. Ai cũng có thể là mối nguy hiểm, người thì bị quy kết lợi dụng tiền bạc, người thì bị quy kết lợi dụng tinh thần. Ông bà cứ sống bên nhau như vậy, chẳng mấy khi ra ngoài.
2. Nắng không lọt vô nhà, là cách tôi viết hơi ví von với những người sống chỉ biết đến bản thân, không quảng giao và cũng tự nhốt mình trong cái tổ của chính mình. Họ cô đơn hay không, chẳng rõ, cho tới khi gặp sự cố cần người hỗ trợ. Cửa nhà luôn mở, lòng người luôn rộng rãi, thì khách mới ghé thăm thường xuyên. Chứ người đã khó chịu, nhà lại nuôi chó dữ, ai dám bén mảng tới gần!
Tuổi trung niên luôn là bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời. Lứa tuổi đã chững chạc, có sự nghiệp, có tiền bạc, con cái đã trưởng thành, bắt đầu được sống cho bản thân và những trải nghiệm lý thú nhất. Nhưng cách nhiều người đối xử với tuổi trung niên, dường như quá bất công.
Nhiều người coi trọng đồng tiền hơn cả sức khỏe bản thân, tiết kiệm tiền trong việc đi khám sức khỏe hoặc chữa bệnh cho tới đầu tới đũa. Nhiều người vẫn mang tâm thế của tuổi trẻ áp dụng vào tuổi trung niên, khi vẫn “bán mạng” để kiểm tiền tích lũy.
Tới khi nhận ra tiền bạc khó mang lại được sức khỏe, thì cũng đã quá muộn. Mọi sự đành ngậm ngùi nhìn ngày tháng dần qua trong nhà thương, mà lẽ ra chưa tới lúc phải chịu đựng điều ấy.
Sống chân thành, hào sảng, mà vẫn thu vén được cuộc sống một cách cân bằng, mới chính là cách học hỏi về giá trị sống đúng nghĩa. Tới nắng cũng không lọt được vô nhà, thì ngôi nhà ẩm mốc lắm, chẳng dễ chịu chút nào cho những người sống trong môi trường vậy đâu.
Thì để làm gì!