Đại hội cổ đông nhiều doanh nghiệp không "rộng cửa" với các cổ đông nhỏ lẻ.

Đại hội cổ đông nhiều doanh nghiệp không "rộng cửa" với các cổ đông nhỏ lẻ.

Nỗi lòng cổ đông nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi nghe câu hỏi từ cổ đông cá nhân, lãnh đạo một doanh nghiệp hỏi lại: “Cổ đông đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu?”. Chỉ một câu hỏi cũng phần nào cho thấy, tiếng nói của cổ đông nhỏ vốn đã ở thế yếu càng trở nên “nhạt nhòa”, ngay cả khi các quy định bảo vệ cổ đông nhỏ đã hình thành.

50 cây vàng đổi 5.000 cổ phiếu

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên Tổng công ty Điện lực TKV - Vinacomin Power (mã DTK) vào ngày 29/5/2023, một cổ đông lớn tuổi đã không giấu nổi bức xúc khi chia sẻ câu chuyện của mình. Ông cho biết, vào thời điểm Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu, ông bỏ tiền mua 5.000 cổ phiếu của công ty này. Từ đó cho tới nay, ông không nhận được các thông tin liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, thư mời họp đại hội cổ đông, tài liệu họp đại hội cổ đông… và tất nhiên cũng không nhận được đồng cổ tức nào từ doanh nghiệp.

Nhiệt điện Cẩm Phả là doanh nghiệp sản xuất điện có công suất phát điện lớn nhất của Tổng công ty Điện lực TKV - Công ty cổ phần. Ngoài ra, Công ty cũng sở hữu một trong những hệ thống nhà máy nhiệt điện có công suất lớn nhất khu vực miền Bắc, với công suất 600 MW, tham gia thị trường điện từ năm 2017. Tới tháng 10/2021, Nhiệt điện Cẩm Phả được sáp nhập vào Vinacomin Power, với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:0,58, tức mỗi cổ phiếu NCP sẽ được đổi lấy 0,58 cổ phiếu DTK. Theo đó, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các cổ đông Nhiệt điện Cẩm Phả sẽ giảm xuống.

“Mọi năm, đại hội cổ đông của Nhiệt điện Cẩm Phả họp tại Quảng Ninh, vì tuổi tác và khoảng cách xa nên tôi không thể đi dự. Năm nay, tôi đi họp đại hội của Vinacomin Power để hỏi về các quyền lợi của cổ đông và để tìm lãnh đạo của Nhiệt điện Cẩm Phả tại đây”, vị cổ đông cho biết.

Khó tiếp cận tài liệu, bị doanh nghiệp “ngó lơ”

Trong suốt quãng thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, các cổ đông sẵn lòng đồng hành cũng doanh nghiệp, chịu cảnh không cổ tức. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp dường như đang đặt cổ đông nhỏ ở bên lề, mà biểu hiện rõ ràng nhất thể hiện tại các đại hội cổ đông, sự kiện mỗi năm chỉ có một lần.

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, thông báo mời dự đại hội cổ đông phải được gửi đi ít nhất 21 ngày trước ngày diễn ra đại hội. Thông báo mời họp phải đính kèm chương trình họp, các tài liệu đại hội và tờ trình các vấn đề và dự thảo nghị quyết. Thực tế, các doanh nghiệp chỉ gửi thư mời qua bưu điện hoặc email, các tài liệu được công bố trên website nhưng chủ yếu là tài liệu mẫu không có nội dung cụ thể…

Một số trường hợp doanh nghiệp công bố nội dung sát ngày diễn ra đại hội khiến cổ đông bị “đánh úp”, không đủ thời gian nghiên cứu hay thay đổi, bổ sung các nội dung mà không có thông báo khiến cổ đông không kịp cập nhật. Chưa kể một số trường hợp, cổ đông không được tiếp cận dễ dàng với tài liệu đại hội.

Chẳng hạn, tại đại hội cổ đông bất thường 2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, để có tài liệu đại hội, cổ đông phải dùng smartphone quét mã QR tài liệu để đọc tại đại hội. Đáng chú ý, rời khỏi nơi tổ chức, các tài liệu này không truy cập được nữa.

Một vấn đề khác là biên bản đại hội của nhiều doanh nghiệp rất sơ sài, với các nội dung mẫu dùng từ năm này qua năm khác. Theo đó, các cổ đông không thể tham dự đại hội trực tiếp không biết được các nội dung cụ thể đã trao đổi tại đại hội, có những câu hỏi nào được đặt ra và lãnh đạo doanh nghiệp trả lời như thế nào.

Không ít cổ đông nhỏ bức xúc về việc khi nhận giấy mời tham dự, mà phần nhận thông tin phản hồi chỉ có email và fax, không có số điện thoại và tên người cần liên hệ. Muốn chất vấn lãnh đạo không biết cách nào ngoài gửi email và nội dung phản hồi chỉ là Công ty đã nhận thông tin.

Cổ đông của Công ty cổ phần Nước giải khát Sanna Khánh Hoà (mã SKN) đã phản ánh việc kết quả biểu quyết từ xa không được ghi nhận trong biên bản đại hội. Chưa kể, các câu hỏi chất vấn của cổ đông cũng không được đề cập trong biên bản. Việc không ghi nhận phần biểu quyết của nhóm cổ đông này làm sai lệch kết quả biểu quyết.

Trước đó, năm 2022, phải hơn một tháng sau khi đại hội cổ đông thường niên của SKN được tổ chức thì trên website của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - nơi niêm yết cổ phiếu SKN - mới công bố biên bản, nghị quyết đại hội. Việc chậm công bố các tài liệu và biên bản đại hội ảnh hưởng đến việc cận thông tin của nhà đầu tư.

Né tránh câu hỏi, trả lời như… không

Trong phần thảo luận, cổ đông lớn thường, trực tiếp tham dự đại hội được đại diện doanh nghiệp ưu tiên giải đáp thắc mắc. Còn với những cổ đông gửi câu hỏi từ xa, lãnh đạo doanh nghiệp hầu như “sẽ phản hồi riêng qua thư điện tử để tiết kiệm thời gian”.

Hoặc nếu cổ đông nhỏ đặt câu hỏi tại đại hội, không ít trường hợp bị lãnh đạo doanh nghiệp hỏi lại: “Cổ đông đang sở hữu bao nhiêu cổ phần?”, “không theo dõi hoạt động của Công ty à mà lại hỏi như vậy?”. Những câu hỏi này phần nào thể hiện thái độ thờ ơ và có phần coi thường với sự hiện diện của các cổ đông nhỏ, vốn không đủ sức mạnh để tạo thay đổi đối với các kết quả biểu quyết tại đại hội.

Hỏi trực tiếp còn bị lãnh đạo doanh nghiệp “né tránh”, nói gì tới việc đặt câu hỏi trực tuyến. Với một số cổ đông nhỏ, việc họp trực tuyến khiến tiếng nói của họ vốn đã nhỏ bé lại càng nhỏ bé hơn và không có khả năng kết nối với các cổ đông nhỏ khác để tạo sức mạnh.

Một số cổ đông của Vilico phản ánh, tại phần hỏi đáp, dù các câu hỏi của cổ đông đã được gửi đến và hiển thị trên khung chat của đại hội song MC và ban tổ chức đại hội vẫn thông báo “do không còn câu hỏi và sắp hết thời gian nên phần trả lời câu hỏi kết thúc”.

Chẳng hạn, ngày 27/4/2023, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - Vilico (mã VLC) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên trực tuyến với các nội dung liên quan tới việc điều chỉnh phát hành cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị. Một số cổ đông của Vilico phản ánh, tại phần hỏi đáp, dù các câu hỏi của cổ đông đã được gửi đến và hiển thị trên khung chat của đại hội song MC và ban tổ chức đại hội vẫn thông báo “do không còn câu hỏi và sắp hết thời gian nên phần trả lời câu hỏi kết thúc”. Theo đó, nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng không được ghi nhận tại đại hội.

Thông thường, hỏi đáp là phần được cổ đông chờ đợi nhất ở mỗi đại hội cổ đông của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều đại hội quy định thời gian hỏi đáp ngắn, từ 30 - 45 phút, trong khi các phần đọc văn bản và… giải lao được ưu tiên. Mục tiêu của không ít doanh nghiệp là sớm kết thúc đại hội trong khoảng thời gian gần một buổi sáng.

Nhìn sang một đại hội cổ đông tại nước ngoài, không ít cổ đông cảm thấy chạnh lòng. Tại đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway, bộ đôi lãnh đạo gồm nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett - 92 tuổi và Charlie Munger - 99 tuổi dành hơn 5 tiếng đồng hồ để cố gắng trả lời nhiều câu hỏi nhất có thể. Điều này cho thấy sự nghiêm túc và tôn trọng của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đối với cổ đông - những người đồng hành cùng chặng đường phát triển của doanh nghiệp.

Những cổ đông nhỏ tuy có số lượng lớn nhất, nhưng tiếng nói lại bé nhất tại các doanh nghiệp.

Đây là lý do Luật Doanh nghiệp 2020 đã tăng cường mức độ bảo vệ cổ đông thiểu số, mà nổi bật nhất là quy định nhóm cổ đông sở hữu 5% cổ phần (trước đây là 10%) có quyền xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm, báo cáo của ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua hội đồng quản trị và tài liệu khác, yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông; yêu cầu ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.

Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn của các cá nhân nhỏ lẻ, câu chuyện thực hiện quyền lợi cũng là hành trình dài mỏi mệt.

Tin bài liên quan