Nới lỏng
Ngăn ngừa xung đột lợi ích giữa cổ đông nhỏ lẻ với cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và các nhóm người có liên quan… luôn là một trong những tiêu chí được đưa lên hàng đầu và là một trong những mục đích quan trọng của cơ quan quản lý khi ban hành các văn bản pháp lý điều chỉnh doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp là công ty đại chúng.
Theo quy định hiện hành về các biện pháp ngăn ngừa xung đột lợi ích, nhiều doanh nghiệp đã gặp vướng mắc khi giao dịch cho vay, bảo lãnh với cổ đông, người có liên quan.
Quy định này, dù tránh cho cổ đông nhỏ lẻ bị thiệt hại khi xảy ra các giao dịch không bình đẳng, thậm chí là nguy cơ tăng vốn ảo tại một số doanh nghiệp, nhưng trong nhiều tình huống lại khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội tối ưu hóa khả năng sinh lời của nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Trên thực tế, nhu cầu vay vốn tạm thời giữa các doanh nghiệp là không nhỏ, nhưng nếu tuân thủ quy định thông thường, công ty con không thể cho công ty mẹ vay. Các công ty con vay lẫn nhau cũng được coi là không hợp lệ, dù quan hệ vay này bình đẳng, thậm chí có lợi hơn so với phương án gửi tiết kiệm thông thường.
Nhưng với quy định mới tại dự thảo Nghị định, việc công ty đại chúng cho vay cổ đông lớn hoặc tổ chức có liên quan đến cổ đông lớn, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc), các cán bộ quản lý khác… sẽ linh hoạt hơn rất nhiều.
Theo Điều 27 dự thảo Nghị định, việc cấp các khoản vay cho các đối tượng trên được chia làm 3 trường hợp.
Nếu công ty đại chúng là tổ chức tín dụng, việc cấp tín dụng cho cổ đông, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc), cán bộ quản lý… không bị cấm.
Nếu công ty không phải là tổ chức tín dụng, nhưng cổ đông lớn là tổ chức, người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc)… là tổ chức và các doanh nghiệp này hoạt động theo nhóm công ty bao gồm công ty mẹ - con, các công ty con trong cùng tập đoàn, tập đoàn kinh tế, trừ pháp luật chuyên ngành có quy định khác, thì không bị cấm.
Trường hợp các cổ đông lớn là cá nhân, người có liên quan đến cổ đông lớn hoặc các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc), cán bộ quản lý là cá nhân, thì theo dự thảo Nghị định, vẫn nằm trong trường hợp công ty đại chúng không được cấp khoản vay, bảo lãnh.
… nhưng siết giao dịch với người có liên quan
Linh hoạt trong việc cho phép chuyển tiền giữa nhóm công ty, trên nguyên tắc xuyên suốt từ Thông tư 121 là bình đẳng, tự nguyện, không trục lợi, nhưng dự thảo Nghị định khá cẩn trọng khi có các quy định về việc hạn chế giao dịch với đối tượng có liên quan.
Theo đó, ngoài việc hạn chế trong quy định vay, bảo lãnh, công ty đại chúng không được thực hiện giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty đại chúng với cổ đông lớn, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc) và người có liên quan đến nhóm này. Quy định này chặt hơn nhiều so với trước đây hoặc quy định tại Luật Doanh nghiệp, do quy định hiện hành chỉ hạn chế theo tỷ lệ tài sản doanh nghiệp tính trên 1 lần giao dịch (không phân biệt giao dịch với người có liên quan hay không).
Trao quyền tối cao cho đại hội đồng cổ đông
Theo quy định hiện hành, quy chế quản trị công ty đại chúng quy định những trường hợp giao dịch không được phép. Để vượt qua được các quy định này, nhiều doanh nghiệp xin Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho HĐQT thực hiện các giao dịch thuộc nhóm không được phép. Tuy nhiên, việc ủy quyền này có được pháp luật cho phép hay không lại không được nhắc đến.
Về vấn đề này, với các giao dịch không được phép, dự thảo Nghị định có thêm một vế “trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có ý kiến khác”. Việc này đã được áp dụng trên thực tế, nhưng khi được quy định trong văn bản pháp luật, thì đây là một căn cứ quan trọng để doanh nghiệp có thể tăng tính tự chủ trong quản lý, tránh rơi vào tình trạng “đi trên dây” với những hoạt động kinh doanh hàng ngày.