Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nỗi lo virus Corona trở lại, giới đầu tư nhanh tay thoát hàng

(ĐTCK) Thông tin Trung Quốc giảm lãi suất không thể bù đắp cho nỗi lo virus corona bùng phát mạnh ở ngoài Trung Quốc, khiến giới đầu tư nhanh tay thoát hàng, đẩy chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Năm (20/2).

Phố Wall mở cửa phiên giao dịch thứ Năm giằng co nhẹ quanh tham chiếu khi nhà đầu tư phản ứng thận trọng với các gói kích thích kinh tế mới từ các nước, nhất là từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nỗi lo về virus Corona sau đó đã lấn át khi Nhật Bản ghi nhận thêm 2 ca tử vong, Hàn Quốc cũng có ca tử vong đầu tiên do virus corona và số ca nhiễm mới tăng đột biến. Nghiên cứu cho thấy, lợi virus này lây lan nhanh hơn suy nghĩ trước đây.

Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn nhạy cảm với tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và thương chiến đã nhanh chóng giảm mạnh, kéo các chỉ số chính của phố Wall giảm sâu, có lúc S&P giảm hơn 1% trong phiên sáng. Tuy nhiên, về cuối phiên chiều đà giảm đã được hạn chế lại khi dòng tiền tìm đến các nhóm cổ phiếu phòng thủ và cổ phiếu thay thế khác.

Kết thúc phiên 20/2, chỉ số Dow Jones giảm 128,05 điểm (-0,44%), xuống 29.219,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,92 điểm (-0,38%), xuống 3.373,23 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 66,21 điểm (-0,67%), xuống 9.750,96 điểm.

Tương tự phố Wall, đang trên đà có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, chứng khoán châu Âu cũng bất ngợ lao dốc trong ít phút cuối phiên sau khi số ca nhiễm mới virus corona ngoài Trung Quốc đại lục tăng đột biến, cùng với kết quả kinh doanh kém tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố.

Kết thúc phiên 20/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 20,38 điểm (-0,27%), xuống 7.436,64 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 125,00 điểm (-0,91%), xuống 13.664,00 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 48,94 điểm (-0,80%), xuống 6.062,30 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chứng khoán đều mở cửa trong sắc xanh khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với việc Trung Quốc cắt giảm lãi suất và số ca nhiễm mới virus corona tại Trung Quốc đại lục giảm mạnh. Tuy nhiên sau đó, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc duy trì được đà tăng mạnh, chứng khoán Nhật Bản hạ nhiệt, nhưng vẫn giữ được sắc xanh, còn lại chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc quay đầu giảm điểm khi số ca nhiễm mới virus Corona bên ngoài Trung Quốc tăng đột biến, đặc biệt là tại Hàn Quốc.

Kết thúc phiên 20/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 78,45 điểm (+0,34%), lên 23.479,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 54,75 điểm (+1,84%), lên 3.030,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 46,65 điểm (-0,17%), xuống 27.609,16 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 14,84 điểm (-0,67%), xuống 2.195,50 điểm.

Trong khi đó, nỗi lo về sự bùng phát của virus corona tiếp tục giúp giá vàng có phiên tăng thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất 7 năm trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 20/2, giá vàng giao ngay tăng 7,9 USD (+0,49%), lên 1.619,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 8,7 USD (+0,54%), lên 1.620,5 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, bất chấp nỗi lo virus corona bùng phát mạnh ngoài Trung Quốc đại lục có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, qua đó tác động làm giảm nguồn cung, nhưng giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng phiên thứ 3 liên tiếp nhờ nhận được các thông tin hỗ trợ khác.

Cụ thể, ngoài việc hạn chế nguồn cung từ Lybia và Venezuela, báo cáo mới nhất từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho xăng dự trữ của Mỹ trong tuần trước giảm 2 triệu thùng, trong khi các nhà phân tích dự báo tăng 400.000 thùng. Trong khi đó, kho dự trữ dầu thô chỉ tăng 414.000 thùng, thấp hơn con số dự báo của giới phân tích là tăng 2,5 triệu thùng.

Kết thúc phiên 20/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,49 USD (+0,92%), lên 53,78 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,19 USD (+0,32%), lên 59,31 USD/thùng.

Tin bài liên quan