Nỗi lo vẫn đeo bám, giới đầu tư cảnh giác

Nỗi lo vẫn đeo bám, giới đầu tư cảnh giác

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall ảm đạm trong phiên ngày thứ Ba (21/9) sau đợt bán tháo trên diện rộng một ngày trước đó với những lo lắng về những rắc rối xảy ra với tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc và sự thận trọng trước khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra kết luận sau cuộc họp định kỳ.

Thứ Tư, nguy cơ vỡ nợ của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande tiếp tục đeo bám thị trường, bất chấp những nỗ lực trấn an từ phía lãnh đạo công ty này trong khi Bắc Kinh không có dấu hiệu sẽ can thiệp để ngăn chặn bất kỳ tác động nào lên nền kinh tế toàn cầu.

Trong lá thư gửi nhân viên hôm thứ Ba, Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn nói rằng, ông tự tin Evergrande sẽ sớm bước ra khỏi khoảnh khắc đen tối nhất. Tập đoàn bất động sản này sẽ đẩy nhanh hoàn tất xây dựng các dự án còn dang dở để đảm bảo giao nhà cho khách hàng.

Mặt khác, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm thứ Ba cho biết đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến xung quanh Evergrande Group. Lĩnh vực bất động sản là một phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc và việc Evergrande vỡ nợ có thể có tác động đến hoạt động kinh tế và sự ổn định tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. IMF vẫn đặt niềm tin, Bắc Kinh có các công cụ để ngăn tình hình biến thành một cuộc khủng hoảng toàn hệ thống.

Lo lắng về Evergrande xuất hiện khi trong lúc thị trường chứng khoán ảm đạm khi nhà đầu tư tỏ ra lo ngại trước tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế và các ngân hàng trung ương bắt đầu giảm bớt kích thích tiền tệ.

Trong khi đó, thị trường đang chờ đợi cuộc họp của Fed trong tuần này có thể làm sáng tỏ thời điểm thắt chặt chính sách mua lại trái phiếu.

Fed sẽ công bố dự báo kinh tế hàng quý của mình cùng với tuyên bố về lãi suất vào chiều ngày thứ Tư (22/9). Ông Powell sẽ có một cuộc họp báo sau tuyên bố.

Trong khi Dow Jones và S&P 500 vẫn đóng cửa trong sắc đỏ, Nasdaq Composite đã khởi sắc nhẹ. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, các chỉ số Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures vẫn đang lao dốc.

Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Dow Jones giảm 50,63 điểm (-0,15%), xuống 33.919,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,54 điểm (-0,08%), xuống 4.354,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 32,50 điểm (+0,22%), lên 14.746,40 điểm.

Chứng khoán châu Âu hôm thứ Ba lấy lại đà tăng sau khi chứng kiến phiên giảm mạnh nhất trong hai tháng nhờ sự sôi động trên thị trường M&A, giúp lo lắng về tác động lan tỏa từ cuộc khủng hoảng tại tập đoàn Evergrande của Trung Quốc vơi bớt.

Kết thúc phiên 21/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 77,7 điểm (+1,12%), lên 6.980,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 216,47 điểm (+1,43%), lên 15.348,53 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 96,92 điểm (+1,50%), lên 6.552,73 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản theo chân sự suy yếu trên thị trường toàn cầu,khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại về khả năng vỡ nợ của Tập đoàn Evergrande.

Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch Tết Trung thu.

Chứng khoán Hồng Kông hồi phục, một ngày sau khi những lo lắng về tương lai của nhà phát triển bất động sản Evergrande làm rung chuyển thị trường toàn cầu.

Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch Tết Trung thu.

Kết thúc phiên 21/9, Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1660,34 điểm (-2,17%), xuống 29.839,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 122,40 điểm (+0,51%), lên 24.221,54 điểm.

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch đêm qua được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư giảm vì tâm lý cảnh giác trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng ghi nhận ngày tăng thứ hai liên tiếp sau khi phục hồi từ đáy hơn một tháng vào đầu tuần nhờ nhu cầu đối với tài sản an toàn gia tăng khi các khoản nợ của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande dẫn tới đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Kết thúc phiên 21/9, giá vàng giao ngay tăng 10,10 USD (+0,57%), lên 1.774,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 14,30 USD (+0,81%), lên 1.776,10 USD/ounce.

Giá dầu tăng khiêm tốn trong phiên giao dịch hôm thứ Ba trong bối cảnh Nga cho rằng triển vọng tiêu thụ toàn cầu được dự báo sẽ không phục hồi được mức đỉnh trước đại dịch do cán cân năng lượng thay đổi, tuy nhiên OPEC+ đã phải vật lộn để bơm đủ dầu đáp ứng nhu cầu vào tháng 8 để đáp ứng đà tăng của nền kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 21/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,27 USD (+0,4%), lên 70,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,44 USD (+0,6%), lên 74,36 USD/thùng.

Tin bài liên quan