Thị trường sơ cấp đã huy động được trên 170.000 tỷ kể từ đầu năm đến nay, còn thanh khoản trên sàn thứ cấp đã vượt ngưỡng 5.000 tỷ đồng/ngày. Dòng tiền chảy như vậy có đáng mừng không?
Trong một chia sẻ gần đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam dù có mức tăng trưởng cao nhất trong ASEAN, nhưng nhìn sâu vào chất lượng dòng tiền sẽ thấy còn nhiều điểm cần phải cải thiện. Cụ thể, 80% dòng tiền chảy vào thị trường sơ cấp là từ hệ thống ngân hàng, trong khi đó nguồn tiền từ các ngân hàng lại chủ yếu là huy động ngắn hạn từ dân chúng.
Trong khi Chính phủ muốn kéo dài kỳ hạn trái phiếu, thì nguồn tiền “tiêu hóa” món hàng này lại đến từ kênh ngắn hạn, nhà đầu tư dài hạn còn rất thiếu vắng, để có thể tạo ra sự bền vững của dòng chảy vốn. Vì sự phụ thuộc này, khi ngân hàng trung ương gặp khó khăn, sẽ lập tức tác động đến khả năng huy động vốn trên thị trường trái phiếu chính phủ.
Theo Phó thủ tướng, làm cách nào để thị trường trái phiếu phát triển bền vững hơn là một vấn đề rất quan trọng, cần sự phối hợp của chính sách tài khóa và tiền tệ một cách hài hòa, hiệu quả. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng tiền ngân hàng chảy vào kênh đầu tư trái phiếu chính phủ chiếm đại đa số như hiện nay thì dù thị trường này có tăng trưởng mạnh đến đâu, cũng chưa hẳn là mừng.
Thị trường cần mở rộng đối tượng nhà đầu tư, thu hút nhiều dòng vốn mới để giúp Chính phủ duy trì nguồn tiền cần có để đảo nợ và đầu tư phát triển đất nước. Nếu vẫn dòng vốn ngân hàng, chủ yếu từ các ngân hàng có gốc Nhà nước, rót vào mua trái phiếu chính phủ, rồi các ngân hàng lại sử dụng công cụ này trên thị trường mở, để tái chiết khấu tạo dòng tiền ra, thì vòng quay tiền sẽ cứ quẩn quanh trong phạm vi rất hẹp.
Một trong những lý giải về hiệu quả dòng tiền chảy vào trái phiếu chính phủ năm 2013-1014 là do nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, vốn đầu tư tư nhân không hiệu quả, nên nguồn lực của xã hội dồn vào trái phiếu chính phủ, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế (năm 2013, tăng trưởng GDP là 5,54% thì đến năm 2014 là 5,8% và năm 2015 là 6,68%).
Năm 2016, nền kinh tế đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7-6,8% và tinh thần khởi nghiệp được các cơ quan chức năng quan tâm hơn bao giờ hết, nhưng nguồn lực xã hội vẫn chủ yếu hướng vào kênh đầu tư của Chính phủ, kênh đầu tư tư nhân rất chật vật gọi vốn. Toàn TTCK Việt Nam (thị trường cổ phiếu) năm 2015 huy động đuợc tổng cộng 50.000 tỷ đồng vốn từ phát hành chứng khoán. Trong khi khối DN niêm yết được đánh giá là khối DN có hiệu quả kinh doanh tốt và minh bạch nhất nền kinh tế.
Dòng chảy vốn, vì thế rất cần những giải pháp mới để nắn chỉnh tính cân bằng và hiệu quả chung cho các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là khối DN tư nhân.