Nỗi lo thương chiến trở lại ám ảnh giới đầu tư

(ĐTCK) Thông báo từ Trung Quốc khiến giới đầu tư thận trọng trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới (7/10) trước khi Mỹ và Trung Quốc bước vào vòng đàm phán thương mại mới cuối tuần này.
Ảnh AFP

Ảnh AFP

Theo Bloomblerg, Trung Quốc đang ngày càng do dự và miễn cưỡng trong việc theo đuổi một thỏa thuận thương mại rộng lớn với Mỹ trong các cuộc đàm phán bắt đầu vào thứ Năm (10/10) này.

Cụ thể, nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng phái đoàn thương mại của Trung Quốc, nói với các quan chức Bắc Kinh rằng, lời đề nghị của ông dành cho Mỹ sẽ không bao gồm các cam kết cải cách chính sách công nghiệp của Trung Quốc hoặc trợ cấp của chính phủ.

Thông tin trên khiến phố Wall giảm mạnh khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, sau đó đà tăng đã được hãm lại, thậm chí các chỉ số đã quay đầu tăng điểm khi ông Larry Kudlow, Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng nói rằng, các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được tiến bộ khi họ gặp nhau ở Washington, và nói rằng Mỹ sẵn sàng xem xét những đề xuất mà Bắc Kinh đưa ra.

Ngoài ra, theo Fox tweet, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận với Mỹ về các phần của cuộc đàm phán.

Dù vậy, giới đầu tư vẫn đặt sự thận trọng lên mức cao trước khi 2 bên bước vào vòng đàm phán tiếp theo trong tuần này, khiến các chỉ số chính của phố Wall vẫn đóng cửa trong sắc đỏ sau 2 phiên tăng mạnh cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Dow Jones giảm 95,70 điểm (-0,36%), xuống 26.478,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,22 điểm (-0,45%), xuống 2.938,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 26,18 điểm (-0,33%), xuống 7.956,29 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên đầu tuần mới nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu phòng thủ giúp đập tan nỗi lo về thương chiến và bất ổn của Brexit. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu năng lượng tăng theo giá dầu cũng góp phần hỗ trợ cho đà tăng của chứng khoán châu Âu sau khi đã có tuần giảm mạnh nhất 2 tháng.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 42,50 điểm (+0,59%), lên 7.197,88 điểm. Chỉ số DAX tăng 84,62 điểm (+0,70%), lên 12.097,43 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 33,29 điểm (+0,61%), lên 5.521,61 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ lễ Quốc khánh, Hồng Kông nghỉ lễ trùng cửu, thì chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong nỗi lo về tương lai thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sau khi Trung Quốc không muốn theo đuổi một thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ. Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục trở lại, nhưng cũng chỉ là sắc xanh nhạt khi nỗi lo thương chiến vẫn còn ám ảnh nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 34,95 điểm (-0,16%), xuống 21.375,25 điểm. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 1,04 điểm (+0,05%), lên 2.021,73 điểm.

Trên thị trường vàng, do không nhận được thông tin hỗ trợ về căng thẳng địa chính trị nào, trong khi nỗi lo suy thoái đã được hấp thụ hết, khiến giá vàng quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Cũng giống như các nhà đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư trên thị trường vàng đang hướng tới vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra cuối tuần này.

Một thông tin quan trọng khác ảnh hưởng tới giá vàng là Hội đồng vàng thế giới cho biết, các ngân hàng trung ương thế giới trong tháng 8 đã mua 62,1 tấn vàng và bán 4,8 tấn. Trong tháng 7, các ngân hàng trung ương đã mua ròng tổng cộng 12,8 tấn.

Kết thúc phiên 7/10, giá vàng giao ngay giảm 10,9 USD (-0,72%), xuống 1.493,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 8,5 USD (-0,56%), xuống 1.504,4 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên châu Á và châu Âu khi giới đầu tư kỳ vọng vào vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung sắp diễn ra. Tuy nhiên, bước vào phiên Mỹ, với thông tin trái chiều đưa ra về cuộc đàm phán, cùng với dự đoán kho dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ tăng trong tuần trước, giá dầu thô đã quay đầu và đóng cửa giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 7/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,06 USD (-0,11%), xuống 52,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,02 USD (-0,03%), xuống 58,35 USD/thùng.

Tin bài liên quan