Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018 mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, 11 tháng đầu năm nay có trên 121.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 32.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lên đến trên 83.000 doanh nghiệp, gần 15.000 doanh nghiệp giải thể, lần lượt tăng tới 49,3% và 37,4% so với cùng kỳ năm trước…
Theo Người phát ngôn của Chính phủ, những con số trên cho thấy, hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã có bước cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp bách trong tiếp tục triển khai những giải pháp mang tính đột phá để tạo ra những kết quả sắc nét hơn về cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển ngay trong những ngày đầu năm 2019 nếu muốn tốc độ tăng trưởng đạt cận trên là 6,8% (từ 6,6- 6,8% như Quốc hội thông qua) trong năm tới như mục tiêu Chính phủ đang theo đuổi.
Phương châm hành động của năm 2019 được dự kiến là: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, đột phá, phát triển", hướng đến mục tiêu tiếp sức cho doanh nghiệp, kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 11/2018, Chính phủ đã chốt triển khai một số định hướng lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đi thông điệp cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát gắn với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, củng cố niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư trông đợi những thông điệp này sẽ được cụ thể hóa và triển khai trong thực tiễn để không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là mở ra những dư địa mới về phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó trụ cột doanh nghiệp có đóng góp tích cực, bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế không chỉ trong năm 2019.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, về tổng thể, khối doanh nghiệp niêm yết đang thể hiện được sức tăng trưởng tốt khi chỉ tiêu kinh doanh chính tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước, tính trong 9 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào bức tranh doanh nghiệp lại thấy có không ít mảng khó khăn, mảng tối. Hầu hết các doanh nghiệp trong khối ngành thép, cao su, dầu khí, xi măng, vận tải… vì nhiều lý do khác nhau không có khả năng về đích kế hoạch năm.
Trong số này, có không ít doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn trong ngành như là CTCP Cao su Miền Nam, CTCP Thép Nam Kim, Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí, CTCP Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Ánh Dương Việt Nam, CTCP Vận tải biển Việt Nam…
Thương trường như “chiến trường”, là nơi luôn diễn ra sự đào thải khắc nghiệt, nhưng vẫn còn đó câu hỏi làm cách nào để các doanh nghiệp đã xác lập được vị thế thương trường sẽ ngày càng vững tiến và các doanh nghiệp start-up có cơ hội vươn lên…