Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vừa thông báo họ sẽ gặp nhau ở Helsinki, Phần Lan vào ngày 16/7 trong một hội nghị thượng đỉnh được hai lãnh đạo mong đợi từ lâu.
Nhưng với châu Âu, cuộc gặp này có thể là một sự kiện đáng lo ngại, đánh dấu chính sách ngày càng xa rời đồng minh truyền thống của Washington, theo LATimes.
Sau khi đắc cử, Trump đã tính tới việc gặp chính thức Putin, nhưng những lùm xùm quanh cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ cùng những bất đồng ở Ukraine và Syria đã khiến ý định này của ông chưa thể trở thành hiện thực.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, cuộc gặp ở Helsinki sẽ là lần đầu tiên lãnh đạo Mỹ và Nga có một hội nghị thượng đỉnh.
Cuộc gặp sẽ diễn ra ngay sau khi Trump dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels và thăm Anh, trong bối cảnh các đồng minh châu Âu của Mỹ có những bất đồng ngày càng sâu sắc với chính quyền Trump về một loạt vấn đề như thương mại, môi trường và chính sách quân sự.
Các đồng minh, đối tác của Mỹ ở châu Âu lo ngại rằng sau cuộc gặp thượng đỉnh này, Trump sẽ tiến gần hơn tới Putin, người bị nhiều lãnh đạo Tây Âu và quan chức đối ngoại Mỹ coi là một đối thủ lớn.
Theo bình luận viên Patrick Wintour của Guardian, bên ngoài, Anh phản ứng khá bình thản với thông báo về cuộc gặp Trump – Putin, khi nói rằng đây là một "hội nghị thượng đỉnh như bình thường", nhưng những thông điệp gần đầy của các quan chức nước này lại không che giấu nổi sự lo lắng.
"Người ta thường nói sức mạnh của Trump nằm ở tư duy ngoài lối mòn. Nhưng điều đó không đúng. Ông ấy thậm chí còn không biết lối mòn đó là gì", bình luận gần đây của một chính trị gia cấp cao Anh, người từng tiếp xúc với nhiều đời tổng thống Mỹ, phản ánh nỗi bất an của các lãnh đạo châu Âu về sự khó lường của lãnh đạo Nhà Trắng và viễn cảnh Washington trở thành bạn với Moskva, trong khi London và các đồng minh châu Âu bị gạt sang một bên.
Họ lo sợ rằng cuộc gặp Trump – Putin sẽ mang âm hưởng giống như hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim ngày 12/6, khi Trump liên tiếp thể hiện thiện cảm với lãnh đạo Triều Tiên và có những động thái nhượng bộ bất ngờ trước Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ cũng có thể quá háo hức với cuộc gặp Putin mà phớt lờ những thông điệp quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh NATO và cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Theresa May diễn ra ngay trước đó.
Nỗi sợ này càng lớn hơn sau khi các lãnh đạo phương Tây chứng kiến Trump kiên quyết rút khỏi tuyên bố chung G7 hồi đầu tháng và đăng những dòng tweet chỉ trích đồng minh khiến các nhà ngoại giao bị sốc.
Không thể đoán trước
Từ trái qua: Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị G7 ở Italy năm 2017. Ảnh: Reuters.
Theo bình luận viên Yasmeen Serhan của Atlantic, vấn đề với các lãnh đạo châu Âu là họ không dự đoán được điều gì sẽ diễn ra tại cuộc gặp Trump – Putin.
Họ e ngại rằng cuộc gặp sẽ tạo động lực để Trump đưa ra những quyết định khó lường để lấy lòng Putin, chẳng hạn như quyết sách về vấn đề Syria, giải trừ vũ khí, tập trận với NATO hoặc thậm chí là lệnh cấm vận mà phương Tây đang áp đặt với Moskva.
"Chúng tôi không biết. Chúng tôi nhận ra là mình không thể biết điều gì sẽ được quyết định", một nhà ngoại giao Anh giấu tên thừa nhận.
Trump từ trước tới nay không che giấu quan điểm "phi truyền thống" về đồng minh truyền thống.
Ông sẵn sàng áp thuế nhôm và thép đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế mặt hàng ôtô từ các đồng minh thuộc Liên minh châu Âu, đồng thời chỉ trích NATO "tệ hại như Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ", thậm chí còn nói đùa về việc thay đổi quan hệ với NATO thành "hợp tác kiểu thời vụ".
"Châu Âu lo sợ khi Trump ngồi vào bàn đàm phán với Nga khi họ không biết chiến lược của ông là gì", Daniel Fried, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định. "Khi Trump phớt lờ những lời chỉ trích trong nước để gặp Putin và có xu hướng ngưỡng mộ lãnh đạo này, điều đó khiến người ta bất an".
Nỗi bất an này không phải là không có cơ sở. Trump đã ra lệnh ngừng các cuộc tập trận Mỹ - Hàn chỉ để đổi lấy lời cam kết không cụ thể của Kim Jong-un về "hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn".
Trong hội nghị thượng đỉnh lần này, đối thủ của Trump là Putin, lãnh đạo lão luyện và có kinh nghiệm đàm phán hơn Kim Jong-un rất nhiều.
"Putin có thể sẽ xây dựng hình ảnh lôi cuốn", Fried nói. "Ông ấy khôn ngoan và biết mình có cái gì. Người ta lo sợ rằng ông ấy có thể dễ dàng khiến Trump thừa nhận hoặc trao đi quá nhiều".
Bởi vậy, khi ký tuyên bố chung Helsinki, Trump có thể ra lệnh ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ - NATO ở Ba Lan và các nước vùng Baltic, vốn bị Nga phản đối từ lâu. Ông cũng có thể nới lỏng lệnh trừng phạt với Nga mà không tham vấn với các đồng minh châu Âu.
Việc Trump có hai cuộc họp quan trọng với NATO và Anh trước khi ngồi lại với Putin cũng có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả thượng đỉnh Mỹ - Nga. Theo Fried, nhiều lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Trump có thể tung những lời lẽ chỉ trích đồng minh vì đã "lợi dụng" Mỹ, như những gì đã xảy ra tại hội nghị G7.
Chuyến thăm Anh sau đó của Trump cũng được dự đoán là gặp nhiều trắc trở, khi các nhà hoạt động ở London đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình lớn để phản đối Tổng thống Mỹ ngay khi ông vừa đặt chân xuống sân bay.
Cuộc biểu tình này có nguy cơ phủ bóng lên triển vọng tăng cường quan hệ "đồng minh đặc biệt" vốn đang trắc trở giữa Anh và Mỹ.
Nếu cả hai sự kiện này đều không thuận lợi, khi ngồi vào bàn đàm phán với Putin, Trump sẽ rất muốn làm gì đó để tạo "thắng lợi lớn" trong chuyến đi đến châu Âu lần này.
"Lúc ấy Trump sẽ ở vị thế rất yếu vì ông không muốn có ba cuộc gặp tồi tệ liên tục", Fried nhận định. "Có nguy cơ Trump sẽ nhượng bộ nhiều trước Putin để có được một hội nghị triển vọng".