Nỗi lo lại bao trùm chứng khoán toàn cầu

Nỗi lo lại bao trùm chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Sau 2 phiên tạm lắng, nỗi lo chiến tranh thương mại lại bao trùm chứng khoán toàn cầu trong phiên cuối tuần qua.

Sau 2 phiên thỏa phào với những động thái về khả năng đàm phán thương mại Trung - Mỹ, nỗi lo chiến tranh lại trở lại với giới đầu tư trong phiên cuối tuần khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ cân nhắc áp thêm thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Trung Quốc trị giá lên tới 100 tỷ USD sau khi Bắc Kinh đưa ra biện pháp trả đũa gói thuế trước đó của Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng trước chỉ có thêm 103.000 việc làm, thấp hơn rất nhiều so với con số gần 200.000 việc làm như dự báo của giới phân tích.

Kết thúc phiên 6/4, chỉ số Dow Jones giảm 572,46 điểm (-2,34%), xuống 23.932,76 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 58,37 điểm (-2,19%), xuống 2.604,47 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 161,44 điểm (-2,28%), xuống 6.915,11 điểm.

Nỗi lo chiến tranh thương mại khiến phố Wall quay đầu giảm trở lại trong tuần qua sau các tuần tăng tốt trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,71%, chỉ số S&P 500 giảm 1,38%, chỉ số Nasdaq giảm 2,10%.

Tương tự trên thị trường chứng khoán châu Âu, lo ngại về chiến tranh thương mại cũng khiến các chỉ số chính của khu vực đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 6/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 15,86 điểm (-0,22%), xuống 7.183,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 63,92 điểm (-0,52%), xuống 12.241,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 18,42 điểm (-0,35%), xuống 5.258,24 điểm.

Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng tốt trước đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có tuần tăng điểm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 1,80% trong tuần qua, chỉ số DAX tăng 1,19% và chỉ số CAC 40 tăng 1,76%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giằng co trong phiên cuối tuần và đóng cửa trong sắc đỏ do giới đầu tư lo ngại về chiến tranh thương mại. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại tăng mạnh khi trở lại sau phiên nghỉ lễ. Chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ giao dịch lễ Thanh minh.

Kết thúc phiên 6/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 77,90 điểm (-0,36%), xuống 21.567,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 326,25 điểm (+1,11%), lên 29.844,94 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,53%, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 0,83% và chỉ số Shanghai Composite giảm 1,19%.

Trong khi chứng khoán đồng loạt lao dốc vì nỗi lo chiến tranh thương mại, thì giá vàng được hưởng lợi, nên đồng loạt tăng khá mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 6/4, giá vàng giao ngay tăng 7,2 USD/ounce (+0,54%), lên 1.333,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 7,9 USD/ounce (+0,6%), lên 1.332,2 USD/ounce.

Nhờ phiên tăng tốt trở lại trong phiên cuối tuần, giá vàng đã có tuần tăng nhẹ với mức tăng lần lượt 0,63% và 0,54%.

Với nỗi lo chiến tranh thương mại đang bao trùm, giới phân tích và đầu tư đều có cái nhìn tích cực về giá vàng trong tuần này.

Cụ thể, trong 14 chuyên gia trả lời tuần này, có 8 người, chiếm 57% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, chỉ 2 người dự báo giảm, chiếm 14% và 4 người còn lại dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 29%.

Trong khi đó, 663 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 312 người, chiếm 47% dự báo giá vàng sẽ tăng, 261 lượt người, chiếm 39% dự báo giảm và 90 lượt người, chiếm 14% có quan điểm trung tính.

Lo ngại chiến tranh thương mại, cùng dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp kém tích cực của Mỹ khiến giá dầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 6/4, giá dầu thô Mỹ giảm 1,48 USD (-2,38%), xuống 62,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,22 USD (-1,82%), xuống 67,11 USD/thùng.

Thông tin về sản lượng khai thác của Nga tăng đã khiến giá dầu thô giảm mạnh trong tuần vừa qua với mức giảm lần lượt 4,43% và 4,50%.

Tin bài liên quan