Nỗi lo doanh nghiệp “kiệm lời“

Nỗi lo doanh nghiệp “kiệm lời“

(ĐTCK) Theo chương trình xây dựng luật tại kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, dự kiến trong phiên họp ngày 6 và 13/6 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận và cơ quan dự thảo sẽ thay mặt Chính phủ giải trình về Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi.

Dù chưa được “xếp lịch” thông qua tại kỳ họp này, nhưng giới đầu tư kỳ vọng sắc luật quan trọng với TTCK sẽ được “xới xáo”, bổ sung để hoàn thiện hơn. Ðặc biệt, câu chuyện được chú ý là Luật Chứng khoán sửa đổi liệu có giải quyết được hạn chế lớn của TTCK hiện nay về chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp đại chúng bằng cách bổ sung các chế tài xử phạt đủ mạnh, cũng như tăng quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các Sở GDCK!?

Trên thực tế, việc ban điều hành các doanh nghiệp “kiệm lời” với cổ đông ngày càng phổ biến.

Chẳng hạn, tại biên bản Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) của CTCP Thủy sản Nam Việt (ANV) vừa công bố, phần thảo luận tại ÐHCÐ chỉ ghi đúng một dòng đề mục số 7 là “Ðại hội thảo luận các vấn đề liên quan và giải đáp các câu hỏi của cổ đông”, trong khi thực tế thảo luận diễn ra khá sôi nổi trong hơn 1 giờ đồng hồ. ANV là cổ phiếu "hot" trên thị trường khi giá đang trong xu hướng tăng, nên một biên bản ÐHCÐ sơ sài phần nào gây thất vọng cho nhà đầu tư.

Chia sẻ về câu chuyện này, bà Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc chương trình Maastricht MBA (Ðại học Bách khoa TP.HCM), chuyên gia quản trị công ty khu vực ASEAN nhận định, do hạn chế về thời gian, nên việc ban lãnh đạo doanh nghiệp không trả lời cụ thể từng vấn đề tại cuộc họp ÐHCÐ là điều có thể hiểu và thông cảm, nhưng biên bản ÐHCÐ cần phải cung cấp đầy đủ thông tin.

Tuy nhiên, thực tế, nhiều biên bản ÐHCÐ chỉ ghi vắn tắt, nội dung chi tiết không được công bố. Khảo sát về quản trị công ty tại Việt Nam theo thẻ điểm quản trị ASEAN cho thấy, tỷ lệ biên bản ÐHCÐ đáp ứng được yêu cầu đạt chưa đầy 30%.

Nhìn rộng ra ngoài sàn chứng khoán, việc công bố thông tin của công ty đại chúng còn kém hơn. Tại ÐHCÐ của một tập đoàn lớn tại quận 2, TP.HCM vừa qua, khi chủ tịch công ty trình bày báo cáo, rất nhiều cổ đông ngồi dưới giơ điện thoại chụp tài liệu chiếu trên màn hình, vì tài liệu này không được công bố trước và cũng không được phát cho cổ đông trước khi ÐHCÐ khai mạc.

Thấy khung cảnh lộn xộn, vị chủ tịch đề nghị mọi người không sử dụng điện thoại chụp hình vì toàn bộ tài liệu sẽ được phát sau đại hội. Nhưng khi cổ đông ra về cũng không có ai phát tài liệu, thậm chí báo cáo của HÐQT, tổng giám đốc cũng không được công bố trên website doanh nghiệp sau đó. Biên bản ÐHCÐ của tập đoàn này cũng chỉ ghi vắn tắt tại mục 1.6 rằng: “Ðại hội thảo luận và biểu quyết thông qua các báo cáo, tờ trình bằng phương thức giơ thẻ biểu quyết”.

Trong trường hợp khác, một doanh nghiệp ngành xây lắp chỉ công bố các tờ trình, còn tài liệu trọng yếu là các báo cáo của HÐQT, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát... thì không công bố trước.

Theo quy định, tất cả các tài liệu ÐHCÐ của công ty đại chúng phải công bố trước 10 ngày diễn ra đại hội trên website doanh nghiệp và trên cổng thông tin của UBCK, các Sở GDCK đối với công ty niêm yết. Tuy nhiên, với những nội dung công bố sơ sài, công bố thiếu tài liệu ÐHCÐ trọng yếu, thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm rà soát, theo dõi, kiểm tra nhắc nhở và xử phạt nghiêm khắc khi cần thiết?

Ðiểm đánh đố nhà đầu tư nữa là công ty nào gửi văn bản lên Sở GDCK cũng nói rằng, tài liệu ÐHCÐ được công bố tại địa chỉ website của doanh nghiệp, thay vì công bố đường link mà nhà đầu tư có thể truy cập ngay để cập nhật thông tin.

Với thực trạng trên, Luật Chứng khoán sửa đổi nên trao quyền và trách nhiệm nhiều hơn cho UBCK và các Sở GDCK trong việc xử lý vi phạm công bố thông tin cả về tính tuân thủ cũng như chất lượng thông tin công bố. Bởi trên thực thế, nhiều doanh nghiệp khi giải trình, nhất là những thông tin liên quan biến động giá cổ phiếu, vẫn theo kiểu đối phó, giải trình cho có... nhưng vẫn được chấp nhận.

Ðồng thời, Luật Chứng khoán sửa đổi cũng nên luật hóa việc xây dựng cơ chế, hay xây dựng một cổng tiếp nhận thông tin điện tử thống nhất để ghi nhận phản ánh của các nhà đầu tư, cổ đông về vi phạm công bố thông tin của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhiều ÐHCÐ diễn ra trùng lắp như hiện nay.

Ðể thông tin trên TTCK thực sự minh bạch, bất kỳ công ty đại chúng nào cũng cần chịu sự giám sát của đại chúng nhà đầu tư, đi kèm với chế tài kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc.

Tin bài liên quan