Trong phiên cuối tuần trước, phố Wall đã hồi phục mạnh mẽ, lấy lại hết những gì đã mất trong phiên thứ Năm nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ và dữ liệu việc làm mạnh mẽ.
Dữ liệu vừa công bố phiên cuối tuần cho thấy, trong tháng 5, nền kinh tế tạo thêm 223.000 việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp và lương trung bình theo giờ tăng 0,3%, vượt qua mức dự báo của giới phân tích. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 18 năm, chỉ còn 3,8%.
Ngoài ra, dữ liệu về chỉ tiêu xây dựng và sản xuất công nghiệp cũng tăng, báo hiệu tích cực cho đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý II.
Bên cạnh đó, nỗi lo về cuộc khủng hoảng chính trị tại Italia sẽ lan rộng ra khắp châu Âu cũng được giải tỏa khi Italia đã thành lập được chính phủ liên minh, chấp dứt 3 tháng khủng hoảng chính trị.
Kết thúc phiên 1/6, chỉ số Dow Jones tăng 219,37 điểm (+0,90%), lên 24.635,21 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,35 điểm (+1,08%), lên 2.734,62 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 112,21 điểm (+1,51%), lên 7.554,33 điểm.
Dù hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng Dow Jones lại không duy trì được đà tăng trong tuần khi quay đầu giảm 0,48% sau khi hồi phục 0,15% tuần trước đó. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq lại có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 0,49% và 1,62%.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua khi Italia có được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh sau 3 tháng bế tắc chính trị, loại bỏ nguy cơ một cuộc bầu cử lại.
Kết thúc phiên 1/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 23,57 điểm (+0,31%), lên 7.701,77 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 119,38 điểm (+0,95%), lên 12.724,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 67,13 điểm (+1,24%), lên 5.465,53 điểm.
Dù hồi mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn chịu tuần giảm thứ 2 liên tiếp với chỉ số FTSE 100 mất 0,37%, chỉ số DAX giảm 1,65% và CAC giảm 1,39%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ do áp lực chốt lời tại một số cổ phiếu lớn và Trung Quốc giảm tương đối sâu khi nhóm 200 cổ phiếu được thêm vào MSCI không tạo được cơn sốt đầu tư, thì chứng khoán Hồng Kông lại may mắn có được sắc xanh nhạt trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 1/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 30,47 điểm (-0,14%), xuống 22.171,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 24,35 điểm (+0,08%), lên 30.492,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,34 điểm (-0,66%), xuống 3.075,14 điểm.
Sau khi chấm dứt chuỗi 5 và 4 tuần tăng liên tiếp tuần trước, chứng khoán châu Á tiếp tục xu hướng giảm trong tuần qua với chỉ số Nikkei 225 giảm 1,24%, chỉ số Hang Seng giảm 0,31% và chỉ số Shanghai Composite giảm 2,11%.
Trên thị trường vàng, do không còn nhận được thông tin hỗ trợ trong khi chứng khoán khởi sắc, đồng USD cũng hồi trở lại sau 2 phiên giảm mạnh trước đó, nên giá vàng tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 1/6, giá vàng giao ngay giảm 4,8 USD (-0,37%), xuống 1.293,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 5,3 USD/ounce (-0,41%), xuống 1.294,8 USD/ounce.
Sau tuần hồi nhẹ hơn 0,7% tuần trước đó, giá vàng đã quay đầu giảm trở lại trong tuần vừa qua với mức giảm lần lượt là 0,62% và 0,49%.
Với những thông tin hiện tại, giới phân tích có cái nhìn khá tiêu cực về giá vàng, trong khi giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào đà tăng của giá kim loại quý này trong tuần mới.
Cụ thể, trong 14 chuyên gia trả lời tuần này, chỉ có 2 người, chiếm 14% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, thấp hơn rất nhiều so với mức 61% của tuần trước. Đó cũng là số người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, trong khi số người dự báo giảm chiếm tới 10 người, tương đương 71%, cao hơn nhiều con số 22% của tuần trước.
Trong khi đó, trong 578 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 296 người, chiếm 51% dự báo giá vàng sẽ tăng, chỉ thấp hơn chút ít so với mức 54% của tuần trước đó; 182 lượt người, chiếm 31% dự báo giảm, thấp hơn chút ít so với mức 33% của tuần trước đó và 100 lượt người, chiếm 17% có quan điểm trung tính.
Giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp do chịu áp lực từ sản lượng gia tăng mạnh của Mỹ và lo sợ nguồn cung sẽ tiếp tăng gia tăng khi Ả Rập Xê út và Nga có thể dừng thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent lại giữ mức giá khá tốt khi chỉ lình xình quanh mức 77,6 USD/thùng.
Kết thúc phiên 1/6, giá dầu thô Mỹ giảm 1,23 USD (-1,87%), xuống 65,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent đứng yên ở mức 77,59 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm 3,05%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp (tuần trước đó giảm 4,77%), trong khi đó, giá dầu thô Brent lại hồi phục 1,5% sau khi điều chỉnh 2,64% tuần trước đó.