Nhiều mặt hàng nông sản nằm trong danh mục được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu

Nhiều mặt hàng nông sản nằm trong danh mục được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu

Nỗi lo đằng sau con số 3%

(ĐTCK-online) Mặc dù Chính phủ đã hỗ trợ 20% phí bảo hiểm gốc của hợp đồng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) nhằm hỗ trợ loại hình bảo hiểm này, nhưng mục tiêu 3% kim ngạch xuất khẩu được BHTDXK tới cuối năm 2013 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đang khiến các DN bảo hiểm hết sức lo lắng, bởi số lượng hợp đồng được ký hiện chưa đếm đủ 10 đầu ngón tay.

Có một thực tế ở Việt Nam hiện nay là hầu hết nhà xuất khẩu chỉ sau khi gặp rủi ro, bị thiệt hại lớn mới tìm đến sản phẩm BHTDXK, hoặc những nhà xuất khẩu thuộc đối tượng có rủi ro cao mới tự giác tìm tới công ty bảo hiểm như một biện pháp để chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, những đối tượng này lại khiến DN bảo hiểm dè dặt, vì chấp nhận bảo hiểm cho họ đồng nghĩa với việc bảo hiểm cho nguồn rủi ro cao. Mặc dù mức phí có được nâng lên, nhưng với số lượng hợp đồng thấp như hiện nay thì cũng khó mà đảm bảo được nguyên tắc "số đông bù số ít". 

Trong khi đó, để triển khai BHTDXK, các DN bảo hiểm phải có sự chuẩn bị và đầu tư rất lớn cả về nhân lực lẫn chi phí. Bản chất của hoạt động xuất khẩu liên quan chặt chẽ tới hoạt động thương mại toàn cầu với tầm bao phủ rộng lớn, nên đòi hỏi DN triển khai BHTDXK phải có hệ thống công nghệ thông tin tốt, dữ liệu về rủi ro đa dạng đối với từng quốc gia, từng lĩnh vực ngành hàng, mối quan hệ để thẩm định khách hàng nước ngoài, thu xếp tái bảo hiểm... Trên thực tế, để trang bị đầy đủ hệ thống công nghệ thông tin như trên không phải điều đơn giản. Một số DN bảo hiểm chọn giải pháp đi thuê, nhưng khi đi thuê cũng có nhiều vấn đề phát sinh như: khi thuê tư vấn hỗ trợ hotline khách hàng thì những dữ liệu, thông tin về khách hàng ai sẽ quản lý? Làm thế nào để chủ động về thông tin? Lựa chọn nhà tư vấn nào cho phù hợp?…

Ngoài ra, để thiết kế nên sản phẩm và đưa ra được quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, tính phí…, DN bảo hiểm cũng phải có đội ngũ chuyên gia cả trong và ngoài nước. Chi phí để đầu tư vào sản phẩm không ít, đó là chưa kể tới thời gian nghiên cứu, khảo sát để làm sao sản phẩm khi ra đời phù hợp và thu hút được các nhà xuất khẩu tham gia.

Quá trình đào tạo cũng hết sức gian nan khi mà sản phẩm này còn quá mới đối với thương gia Việt Nam - đối tượng "sát sườn" với loại hình bảo hiểm này, chứ chưa nói tới các đối tượng liên quan khác. Để đào tạo được đội ngũ cán bộ BHTDXK, chính các công ty bảo hiểm cũng phải có một nguồn nhân lực mạnh mẽ, có hiểu biết sâu và am tường về BHTDXK. Sau đó là quá trình tập huấn với đối tượng là đại lý, tư vấn viên... để họ không chỉ hiểu về bảo hiểm mà còn phải nắm bắt được các thông tin cơ bản về hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó, DN bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện nhất định để trở thành thành viên của Hiệp hội Các tổ chức BHTDXK (Berne Union) và được chia sẻ thông tin cập nhật về rủi ro theo quốc gia, theo DN nhập khẩu, theo ngành hàng và dịch vụ hỗ trợ thu đòi nợ. Như vậy, các DN phải đầu tư rất nhiều, trong khi chưa chắc chắn về hiệu quả kinh doanh sản phẩm này, khi mà thực tế trong vài năm trở lại đây, cả thị trường chỉ mới có được một vài hợp đồng đã được ký kết.

Trong cuộc hội thảo về BHTDXK do Bộ Tài chính tổ chức diễn ra mới đây, đại diện 7 DN bảo hiểm được lựa chọn tiến hành thí điểm BHTDXK cho rằng, hiện có quá nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai sản phẩm này. Trước mắt, công việc gấp rút phải làm là tiến hành xây dựng quy tắc, biểu phí bảo hiểm trình Bộ Tài chính phê duyệt, làm cơ sở triển khai sản phẩm này trên thực tế. Rõ ràng, để đến cuối năm 2013, có 3% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được BHTDXK, con đường còn rất gian nan.