Nỗi lo dâng cao, giới đầu tư tiếp tục thoát hàng

Nỗi lo dâng cao, giới đầu tư tiếp tục thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục gặp khó trong phiên ngày thứ Năm (20/1), khi môi trường lãi suất cao khiến nỗi lo Fed thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn đeo bám thị trường.

Biến động rất mạnh ở chỉ số Nasdaq Composite, khi có thời điểm vọt hơn 2% nhưng đóng cửa giảm điểm, sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn tăng.

Trong khi đó, S&P 500 giảm 1,1% còn gần 4.483 điểm, mặc dù trước đó có lúc tăng 1,5%. Chỉ số này rớt mốc 4.500 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021. So với đầu năm, chỉ số này đã mất 5,9%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, thường di chuyển theo kỳ vọng lãi suất đã tăng 1,2 điểm cơ bản lên 1,037%. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chạm mức 1,87%.

Giới đầu tư đang rất lo ngại về việc lãi suất tăng, vì điều đó làm tăng chi phí và có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Hiện tại, giới đầu tư sẽ chờ đợi cuộc họp đầu tiên trong năm 2022 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Nhiều khả năng lãi suất vẫn được giữ nguyên trong kỳ họp này. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã kỳ vọng Fed sẽ có 4 đợt nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong năm 2022.

Kết thúc phiên 20/1, chỉ số Dow Jones giảm 313,26 điểm (-0,89%), xuống 34.715,39 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 50,03 điểm (-1,10%), xuống 4.482,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 186,23 điểm (-1,30%), xuống 14.154,02 điểm.

Chứng khoán châu Âu kết thúc trái chiều vào thứ Năm khi các nhà giao dịch tìm hiểu dữ liệu lạm phát mới nhất từ ​​khu vực đồng euro.

Chỉ số lạm phát của khu vực đồng euro tăng lên 5% vào tháng 12/2021, từ mức 4,9% trong tháng 11, do giá năng lượng và lương thực tăng vọt.

Giá năng lượng là yếu tố lớn nhất dẫn đến sự gia tăng này, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước do hóa đơn tiền điện và gas của các hộ gia đình tăng tốc, trong khi thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 3,2%.

Dữ liệu cho thấy giá hàng hóa công nghiệp cũng tăng 2,9% trong 12 tháng và dịch vụ tăng 2,4%.

Tuy nhiên, Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho rằng, lạm phát ở khu vực đồng euro sẽ giảm dần trong năm tới do chính các tác nhân gây ra, chẳng hạn như giá năng lượng tăng và tắc nghẽn nguồn cung dự kiến ​​sẽ giảm bớt.

Trái lại, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey cảnh báo điều ngược lại, rằng áp lực lạm phát ở Anh có thể kéo dài hơn dự kiến ban đầu.

Kết thúc phiên 20/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 4,65 điểm (-0,06%), xuống 7.585,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 102,61 điểm (+0,65%), lên 15.912,33 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 21,18 điểm (+0,30%), lên 7.194,16 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 5 tháng, do Sony và các nhà sản xuất trò chơi điện tử khác được mua bắt đáy mạnh.

Chỉ số chính của chứng khoán Trung Quốc giảm, nhưng chỉ số bluechip tăng, với kỳ vọng Bắc Kinh sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế hơn nữa.

Lãi suất cho vay cơ bản một năm (LPR) của Trung Quốc đã giảm 10 điểm cơ bản và LPR 5 năm giảm 5 điểm cơ bản - mức giảm đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2020.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên bùng nổ, tăng mạnh nhất trong hơn sáu tháng, sau khi Trung Quốc cắt giảm thêm lãi suất.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, được hỗ trợ bởi lực mua bắt đáy sau khi đã giảm 5 phiên liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 19/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 790,02 điểm (-2,80%), xuống 27.467,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 11,73 điểm (-0,33%), xuống 3.558,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 15,07 điểm (+0,06%), lên 24.127,85 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 21,96 điểm (-0,77%), xuống 2.842,28 điểm.

Giá vàng thế giới phiên đêm qua đã chững lại khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng gây sức ép.

Dù vậy, giá vàng đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai tháng qua, khi xuất hiện dòng tiền lớn trị giá 305 triệu USD đã đổ vào quỹ giao dịch trao đổi vàng SPDR (ETF) vào thứ Tư.

Báo cáo cho biết đây là dòng tiền lớn nhất đổ vào ETF vàng kể từ tháng 11. Đây chỉ là một chỉ báo nữa cho thấy giới đầu tư lo lắng và hành động khi lạm phát gia tăng.

Kết thúc phiên 20/1, giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,9 USD xuống 1.839,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng giảm gần 4 USD xuống 1.838,9 USD/ounce.

Giá dầu thô hạ nhiệt về cuối phiên, sau khi có thời điểm leo lên mức cao nhất trong 7 năm.

Kết thúc phiên 20/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,06 USD (-0,07%), xuống 86,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,06 USD (-0,07%), xuống 88,38 USD/thùng.

Tin bài liên quan