Nỗi lo đại lý bảo hiểm “chơi game”

Nỗi lo đại lý bảo hiểm “chơi game”

(ĐTCK) Đại lý bảo hiểm “chơi game” trên những hợp đồng bảo hiểm không phải là chuyện quá xa lạ đối với các công ty bảo hiểm, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ.

> Phát triển đại lý bảo hiểm và thách thức quản lý

> Nhiều đơn thư tố cáo liên quan đến đại lý bảo hiểm

> Đại lý bảo hiểm “bắt cá hai tay”  

“Tất cả các công ty bảo hiểm đều nhận thấy có quá nhiều ‘game’ đằng sau sự tăng trưởng nóng”, CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhận xét.

Nỗi lo đại lý bảo hiểm “chơi game”  ảnh 1Công ty bảo hiểm chỉ có lợi nhuận nếu 70 - 80% số khách hàng duy trì hợp đồng - Ảnh: Hoài Nam

“Chơi game” trên những hợp đồng bảo hiểm có thể hiểu nôm na là đại lý bảo hiểm dùng nhiều thủ thuật khác nhau lấy được hợp đồng bảo hiểm (những hợp đồng này phải được công ty bảo hiểm chấp nhận) để “chạy” các chương trình thi đua mà công ty bảo hiểm đang thực hiện.

Hình thức “chơi game” trên hợp đồng bảo hiểm phổ biến là khi khách hàng hủy hợp đồng (những hợp đồng đã đóng phí được 3 - 4 năm và thường có giá trị hoàn lại lớn), đại lý bảo hiểm bỏ tiền ra đóng tiếp những hợp đồng này cho đến khi đáo hạn. Với những hợp đồng bảo hiểm đã đóng phí được 3 - 4 năm thì dù có đóng tiếp phí những năm còn lại, đại lý bảo hiểm cũng không được hưởng hoa hồng, nhưng họ sẽ nhận được giá trị hoàn lại của hợp đồng (sau khi làm thủ tục chuyển nhượng đúng quy định). Tất nhiên, những hợp đồng được chuyển nhượng lại như vậy chủ yếu là những hợp đồng đại lý bán cho người thân quen. Các công ty bảo hiểm đều biết “game” này, nhưng xét về mặt quy định thì không sai, nên vẫn được hợp thức hóa, dù công ty canh cánh nỗi lo hợp đồng có thể bị “đứt gánh giữa đường” khi các đại lý không kham nổi số phí phải đóng mỗi kỳ.

Dạng “game” phổ biến thứ hai là đại lý chơi theo các chương trình thi đua khen thưởng của các công ty bảo hiểm. Trao đổi với ĐTCK, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, chương trình thi đua của các công ty bảo hiểm thường chia làm hai loại: theo số lượng hợp đồng và theo độ lớn của phí đóng. Với những chương trình thi đua theo số lượng hợp đồng thì đại lý dễ “chơi game” hơn chương trình thi đua theo độ lớn của phí đóng. Đây là dạng “game” mà các công ty bảo hiểm “hãi” nhất, vì số lượng hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực do khách hàng bỏ không đóng phí cũng từ đây mà ra.

Những người làm trong ngành bảo hiểm nhân thọ gần đây còn râm ran câu chuyện, không chỉ có đại lý từng công ty bảo hiểm “chơi game” trên các hợp đồng, mà trên thị trường còn có hẳn một đội gọi là “game thủ” câu kết với nhau để kiếm tiền từ những chương trình thi đua của các công ty bảo hiểm, hết chương trình là hợp đồng bảo hiểm không còn được duy trì, vì khách hàng không đóng phí.

“Nói đúng hơn là họ đi thành một ‘dây’ từ công ty này sang công ty khác để cùng trục lợi. Không ít khách hàng còn không biết là họ có hợp đồng bảo hiểm, vì đại lý bằng nhiều cách khác nhau có thể xin bản sao chứng minh nhân dân của những người quen để làm hợp đồng. Nhiều khách hàng khi mua bảo hiểm nhân thọ không phải kiểm tra sức khỏe nên đây là lỗ hổng để đại lý trục lợi”, một chuyên gia trong ngành bảo hiểm nói.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều công ty có hệ thống kiểm tra chéo (gọi điện cho khách hàng kiểm tra lại). Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên, đại lý cũng có nhiều chiêu để lách. Chẳng hạn, cung cấp cho công ty số điện thoại giả hoặc số điện thoại của người thân. Trong khi đó, đại diện một công ty bảo hiểm thừa nhận, nói là có kiểm tra, nhưng thực ra các công ty cũng chỉ kiểm tra theo xác suất, chứ không thể kiểm tra hết tất cả các khách hàng.

Hiện nay, “game thủ” vẫn là câu chuyện dài tập của thị trường bảo hiểm nhân thọ, dù sau một thời gian “say” trong tăng trưởng, nhiều công ty giật mình tỉnh giấc nhận ra sự thật phũ phàng từ sự tăng trưởng nóng do các “game thủ” mang lại.

“Chi phí bỏ ra cho một hợp đồng năm đầu rất cao, nên các công ty chỉ có thể có lợi nhuận nếu 70 - 80% số khách hàng này duy trì hợp đồng. Tuy nhiên, đây là vấn đề không dễ”, đại diện một công ty bảo hiểm nói.          

 

Tại sao và khi nào có thể “chơi game”?

Các công ty bảo hiểm nhân thọ thường cạnh tranh về chế độ đãi ngộ cho đại lý nên các địa lý thường “chơi game” khi có những chương trình này.

Các đại lý và quản lý đại lý chỉ tính toán “chơi game” khi tổng số thu nhập (hoa hồng, tiền thưởng đại lý, chi phí quản lý đại lý, thưởng thi đua) của đại lý và quản lý đại lý bằng hoặc hơn số phí bảo hiểm thu được. Với mức độ tính toán như vậy, dân trong nghề thường nói với nhau rằng, thay vì đi bán bảo hiểm, giờ đại lý còn có thể đi đầu tư bảo hiểm.