Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nỗi lo của giới đầu tư lại dâng cao

(ĐTCK) Vừa trấn tĩnh trở lại trong nửa cuối phiên thứ Năm, nỗi lo đã nhanh chóng trở lại với giới đầu tư trong phiên cuối tuần (7/12), khiến phố Wall lao dốc mạnh.

Trong phiên thứ Năm, đang lao dốc mạnh khi nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với thông tin Canada bắt Giám đốc Tài chính Huawei theo yêu cầu của Mỹ, làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, giới đầu tư đã nhanh chóng trấn tĩnh trong nửa cuối phiên nhờ kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ giãn tốc độ tăng lãi suất.

Tưởng chừng với điểm tự trên, phố Wall sẽ có ngày giao dịch cuối tuần tích cực, nhất là sau khi dữ liệu việc làm và lương trong tháng 11 tăng trưởng chậm lại, càng tăng thêm kỳ vọng Fed giãn tiến độ tăng lãi suất, nhưng mọi thứ lại không diễn ra như vậy.

Dù khả năng Fed giãn tốc độ tăng lãi suất, nhưng giới đầu tư lại lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang dù 2 nước vừa đạt được thỏa thuận đình chiến cuối tuần trước đó.

Cụ thể, ngoài vụ việc Giám đốc Tài chính Huawei bị bắt, Cố vấn thương mại của Nhà trắng Peter Navarro cho biết, Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc nếu 2 nước không đạt được thỏa thuận trong thời hạn đàm phán 90 ngày.

Kết thúc phiên 7/12, chỉ số Dow Jones giảm 558,72 điểm (-2,24%), xuống 24.388,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 62,87 điểm (-2,33%), xuống 2.633,08 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 219,01 điểm (-3,05%), xuống 6.969,25 điểm.

Những phiên giảm mạnh liên tiếp tuần qua do lo ngại cuộc chiến thương mại leo thang đã khiến phố Wall quay đầu giảm và có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2018 trong tuần qua sau tuần tăng mạnh nhất 7 năm trước đó. Cụ thể, trong tuần cuối tháng 11, Dow Jones giảm 4,50%, S&P 500 giảm 4,60% và Nasdaq giảm 4,93%. Cả 3 chỉ số chính của phố Wall đã trả lại gần hết những gì đã có trong tuần trước đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau 3 ngày lao dốc, các chỉ số chính của thị trường này đã hồi phục tốt khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần nhờ giá dầu thô tăng mạnh và dữ liệu việc làm của Mỹ có khả năng giảm kỳ vọng Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, đà tăng sau đó bị hạ nhiệt, thậm chí chứng khoán Đức quay đầu giảm điểm vào cuối phiên do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường phố Wall.

Kết thúc phiên 7/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 74,06 điểm (+1,10%), lên 6.778,11 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 22,89 điểm (-0,21%), xuống 10.788,09 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 32,68 điểm (+0,68%), lên 4.813,13 điểm.

Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng các phiên lao dốc trước đó do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến chứng khoán châu Âu nhanh chóng trở lại đà giảm sau tuần hồi phục trước đó. Thậm chí, chứng khoán khu vực này còn có tuần giảm mạnh nhất trong 2 tháng. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,90%, chỉ số DAX giảm 4,17% và chỉ số CAC40 giảm 3,81%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau 3 phiên giảm liên tiếp nhờ sự hồi phục của phố Wall trong phiên tối hôm trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông trái chiều, nhưng mức biến động không lớn do nhà đầu tư thận trọng trước việc Canada bắt Giám đốc Tài chính của Huawei theo yêu cầu của Mỹ, cũng như dữ liệu kinh tế mới công bố của Trung Quốc.

Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 yếu hơn so với dự kiến do nhu cầu trong nước và thế giới giảm. Điều này nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh phải có các biện pháp kích thích để giữ tốc độ tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh đang có cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ngoài ra, chỉ số sản xuất PPI tháng 11 của Trung Quốc cũng chỉ tăng 2,7% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với tháng trước đó, trong khi chỉ số lạm phát tăng 2,2%.

Kết thúc phiên 7/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 177,06 điểm (+0,82%), lên 21.678,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,71 điểm (+0,03%), lên 2.605,89 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 92,62 điểm (-0,35%), xuống 26.063,76 điểm.

Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Nhật Bản nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại trong tuần qua sau khi hồi phục 3,92% trong tuần trước. Chứng khoán Hồng Kông cũng quay đầu giảm sau tuần tăng 2,23% trước đó, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục lại bất ngờ duy trì được đà tăng nhẹ tuần thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,01%, chỉ số Hang Seng giảm 1,67%, còn Shanghai Composite tăng 0,68%.

Đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán đã tạo động lực để giá vàng tăng mạnh trong phiên cuối tuần, lên mức cao nhất 5 tháng.

Kết thúc phiên 7/12, giá vàng giao ngay tăng 10,6 USD (+0,86%), lên 1.247,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 13,3 USD/ounce (+1,07%), lên 1.249,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 năm 2019 tăng 10,4 USD/ounce (+0,84%), lên 1.254 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,10% và giá vàng tương lai tăng 2,39% sau tuần giảm nhẹ trước đó.

Với những diễn biến trong tuần qua và thông tin hỗ trợ, giúp vàng tăng vai trò là kênh trú ẩn an toàn, cả giới phân tích và đầu tư đều đặt kỳ vọng cao vào đà tăng tiếp của giá vàng trong tuần mới, nhưng giới phân tích kém lạc quan hơn so với tuần trước, trong khi giới đầu tư lại ngược lại.

Cụ thể, theo khảo sát, trong 14 chuyên gia trả lời cuộc khảo sát tuần này, có 8 người, chiếm 57% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn con số 68% trong tuần trước, trong khi đó có số người dự đoán giá vàng giảm và đi ngang cùng là 3 người, chiếm 21%, cao hơn con số 6% dự báo giá vàng giảm và thấp hơn con số 25% dự báo giá vàng đi ngang trong tuần trước đó.

Trong khi đó, trong 501 người tham gia cuộc khỏa sát trực tuyến, có 319 người, chiếm 64% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn so với con số 57% của tuần trước; 118 lượt, chiếm 24% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn con số 26% của tuần trước và 64 lượt người, chiếm 13% dự báo giá vàng đi ngang.

Trên thị trường dầu thô, sau thông tin OPEC và các đồng minh đạt thỏa thuận cắt giảm thêm 1,2 triệu thùng/ngày, trong đó OPEC là 800.000 thùng và Nga, cùng một số nhà sản xuất khác ngoài OPEC là 400.000 thùng, giá dầu thô đã hồi phục mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 7/12, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,12 USD (+2,13%), lên 52,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,61 USD (+2,61%), lên 61,67 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ hồi phục 1,01%, chấm dứt chuỗi 7 tuần giảm liên tiếp, trong khi giá dầu thô Brent tiếp tục giảm 0,15%. Tuần hồi phục cuối tháng cũng đã giúp giá dầu thô Mỹ có mức tăng nhẹ 0,66% trong tháng 11 và là tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Tương tự, giá dầu thô Brent cũng có mức tăng nhẹ 0,43% trong tháng 11.

Tin bài liên quan