Nỗi lòng doanh nhiệp lớn
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) có thể phải đóng cửa. Một trong những ông chủ của VDA, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, đã buộc phải công bố thông tin này tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới”, diễn ra cuối tuần qua.
“VDA chẳng làm được gì”, ông Đoàn nói lý do. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), một ông chủ khác của VDA ngồi gần đó không phản biện gì thêm.
Được thành lập từ năm 2007 bởi 4 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ của Việt Nam thời điểm đó là Satra, Hapro, Saigon Co.op và Phú Thái Group, VDA từng được coi là đối trọng của các doanh nghiệp Việt trong ngành phân phối, bán lẻ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Kế hoạch xây dựng các đại siêu thị trên khắp cả nước đã được công bố.
Nếu cứ để doanh nghiệp phải đi xin mà không biết có được cho không, thì không thể lớn được
- Ông Phạm Đình Đoàn,Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái
“Mười mấy năm qua, chúng tôi đã cố tạo nên trụ cột của doanh nghiệp Việt trong phân phối, nhưng khó quá. Nếu tính doanh thu của cả 4 doanh nghiệp gây dựng VDA thì cũng lên tới 4 - 5 tỷ USD, vậy mà chúng tôi không làm được gì. Các nhà hoạch định chính sách nói đang gần doanh nghiệp, nhưng có thực sự hiểu doanh nghiệp đang cần gì không, hay chỉ là đứng bên cạnh thôi?”, ông Đoàn trăn trở.
Thực ra, tin VDA đóng cửa không bất ngờ. Năm 2015, khi thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam chính thức mở cửa mà không có bất cứ dấu vết nào của hệ thống siêu thị do VDA đầu tư, các câu hỏi về liên kết này đã xuất hiện. Lý do được các ông chủ đưa ra là việc tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính phức tạp, chi phí cao…, khiến VDA không thể tiến hành các kế hoạch công bố.
Trong khi đó, miếng bánh của thị trường phân phối, bán lẻ rơi dần vào tay các doanh nghiệp ngoại.
“Chúng tôi nghiên cứu một số nước thì với những lĩnh vực cần xây dựng các doanh nghiệp nội địa lớn mạnh, họ ra đầu bài cho các doanh nghiệp lớn, đi kèm chính sách hậu thuẫn rõ ràng và minh bạch. Nếu cứ để doanh nghiệp phải đi xin mà không biết có được cho không, thì không thể lớn được”, ông Đoàn thừa nhận.
Rủi ro rình rập
Thực ra, tình trạng khó lớn vẫn luôn là chủ đề được bàn tới khi phân tích bức tranh doanh nghiệp Việt Nam nhiều năm nay. Hệ quả là, bức tranh này đang khuyết đi nhóm doanh nghiệp vừa và vắng doanh nghiệp lớn.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ông cùng các cộng sự đến từ CIEM và Công ty Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chọn nghiên cứu các doanh nghiệp tư nhân lớn bởi đang nhìn thấy bóng dáng rủi ro lẩn khuất trong nhóm doanh nghiệp này.
“Nhìn vào các thương hiệu lớn của Việt Nam, phần lớn là của doanh nghiệp tư nhân lớn. Đây là điều đáng mừng vì Việt Nam đang đi đúng con đường của các nước, nghĩa là các tập đoàn tư nhân lớn là các lá cờ đầu, đóng vai trò quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế quốc gia. Vấn đề là các doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn kỳ vọng vào lợi nhuận từ các lĩnh vực đầu tư mang nhiều tính đầu cơ, tiềm ẩn khủng hoảng chu kỳ, như bất động sản, chứng khoán. Điều này không chỉ gây ra rủi ro cho việc phân bổ vốn giữa các khu vực trong nền kinh tế, mà còn tạo rủi ro cho hệ thống tài chính - ngân hàng”, ông Cung phân tích các kết quả ban đầu của nghiên cứu này.
Phải thẳng thắn, cho dù hiệu quả doanh nghiệp tư nhân lớn cao hơn so với các doanh nghiệp cùng quy mô của khu vực nhà nước, nhưng tiềm lực của các doanh nghiệp này vẫn rất nhỏ so với khu vực, nên chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.
Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn kỳ vọng vào lợi nhuận từ các lĩnh vực đầu tư mang nhiều tính đầu cơ, tiềm ẩn khủng hoảng chu kỳ, như bất động sản, chứng khoán
- Ông Nguyễn Đình Cung,Viện trưởng CIEM
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, 100% doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đang sử dụng vốn vay ngân hàng. Sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng làm cho hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chịu tác động lớn của xu hướng biến động lãi suất và xa hơn là phụ thuộc vào diễn biến điều hành tiền tệ của Chính phủ…
Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam còn phát hiện xu hướng thoái lui khỏi các ngành công nghiệp chế tạo của doanh nghiệp tư nhân, rời xa các ngành cốt lõi…
“Nghiên cứu các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp làm dịch vụ, chứng khoán, bất động sản cao, trong khi số doanh nghiệp công nghiệp chế tạo hay công nghệ cao ít. Rõ ràng, cấu trúc doanh nghiệp đang lệch sang hướng không làm tăng chất lượng của nền kinh tế”, ông Thiên nói.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp tư nhân lớn đang ở thế đổi vai với các tập đoàn kinh tế nhà nước để đóng vai trò bộ khung định hình cấu trúc của nền kinh tế, thì những rủi ro ẩn khuất trong khu vực này là đáng lo ngại. Giới chuyên gia cho rằng, lời giải đang nằm ở chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam.