Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nỗi lo bao trùm giới đầu tư

(ĐTCK) Nỗi lo về tăng trưởng kinh tế, cùng đàm phán thương mại Mỹ - Trung không có tiến triển khiến chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch cuổi tuần qua (8/2).

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông không có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thời hạn ngày 1/3 do 2 nước đặt ra để đạt được thỏa thuận thương mại. Tuyên bố này của ông Trump cho thấy 2 bên đang ít có sự tiến bộ trong cuộc đàm phán và nó khiến nhà đầu tư lo lắng.

Do đó, trong phiên cuối tuần, các chỉ số chính của phố Wall đều giảm khá mạnh khi mở cửa và chủ yếu dao động trong sắc đỏ suốt phiên. Tuy nhiên, vào cuối phiên, nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ, các chỉ số đã hồi phục dần, trong đó, S&P 500 và Nasdaq đã đảo chiều thành công để đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Trước đó, phố Wall đã giảm mạnh trong phiên thứ Năm (7/2) khi cố vấn Nhà Trắng, ông Larry Kudlow nói rằng, có một "khoảng cách khá lớn" giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến một thỏa thuận thương mại. Bên cạnh đó, việc Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Anh cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực cũng tạo tâm lý bi quan cho nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 8/2, chỉ số Dow Jones giảm 63,20 điểm (-0,25%), xuống 25.106,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,83 điểm (+0,07%), lên 2.707,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 9,85 điểm (+0,14%), lên 7.289,20 điểm.

Dù giảm điểm trong 2 phiên cuối tuần, nhưng trong tuần, phố Wall vẫn duy trì được đà tăng, dù mức tăng rất khiêm tốn. Cụ thể, Dow Jones tăng 0,17%, S&P 500 tăng 0,05% và Nasdaq có được tuần tăng thứ 7 liên tiếp với mức tăng 0,35%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, những thông tin về tiến triển chậm trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, cùng việc EC hạ dự báo tăng trưởng của khu vực khiến các thị trường chứng khoán chính của “lục địa già” chìm trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 8/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 22,40 điểm (-0,32%), xuống 7.071,18 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 115,24 điểm (-1,05%), xuống 10.906,78 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 23,92 điểm (-0,48%), xuống 4.961,64 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,73%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số DAX giảm 2,45%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp và chỉ số CAC 40 đảo chiều giảm 1,15% sau 5 tuần tăng liên tiếp.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ Tết Nguyên đán, thì chứng khoán Nhật Bản lại có phiên lao dốc mạnh với mức giảm hơn 2%, mức cao nhất kể từ đầu tháng 1 và đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 10/1 sau thông tin không mấy tích cực về đàm phán kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và kết quả kinh doanh ảm đạm của một số tập đoàn lớn. Cũng lo lắng về việc giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung khiến chứng khoán Hồng Kông cũng giảm điểm trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 8/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 418,11 điểm (-2,01%), xuống 20.333,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 43,89 điểm (-0,16%), xuống 27.946,32 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,19%, chấm dứt chuỗi tuần tăng liên tiếp ở con số 4, còn chỉ số Hang Seng tiếp tục tăng 0,06%, tuần tăng thứ 6 liên tiếp.

Bất chấp đồng USD tăng mạnh trong tuần qua với tuần tăng tốt nhất 6 tháng, nhưng với những thông tin đáng lo ngại về đàm phán thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng kinh tế thế giới, giá vàng vẫn tăng giá trong phiên cuối tuần qua. Tuy nhiên, phiên tăng điểm này không giúp giá kim loại quý có được tuần tăng tiếp theo.

Kết thúc phiên 8/2, giá vàng giao ngay tăng 4,2 USD (+0,32%), lên 1.314,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 3,9 USD (+0,30%), lên 1.313,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 4 USD (+0,30%), lên 1.318,2 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay điều chỉnh giảm nhẹ 0,24%, giá vàng tương lai cũng giảm 0,27%, chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp.

Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng giới đầu tư và các nhà phân tích vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào đà tăng tiếp của giá vàng trong tuần mới, trong đó tâm điểm của sự chú ý là cuộc bỏ phiếu ngân sách tại Quốc hội Mỹ vào ngày 15/2 và dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ.

Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời, có 11 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 73%, cao hơn so với con số 63% của tuần trước và bằng con số của tuần trước đó; có 2 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 13%, bằng với tuần trước và 2 người dự báo giá sẽ đi ngang.

Trong khi đó, trong 467 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 259 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm 55%, thấp hơn con số 64% của tuần trước; 129 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 28%, cao hơn con số 24% của tuần trước và 79 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 17%.

Trên thị trường dầu thô, giá dầu ít thay đổi trong phiên giao dịch cuối tuần qua, nhưng đã giảm trong tuần vì những lo ngại mới về việc làm chậm nhu cầu toàn cầu.

Kết thúc phiên 8/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,08 USD (+0,15%), lên 52,72 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,47 USD (+0,76%), lên 62,10 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 4,60%, trong khi giá dầu thô Brent vẫn tăng 0,27%.

Tin bài liên quan