Trong phiên đầu tuần mới, lực bán tháo cũng diễn ra trên phố Wall sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật Twiter rằng sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ thứ Sáu tuần này do đàm phán không tiến triển. Tuy nhiên, về cuối phiên, với kỳ vọng 2 nước sẽ tìm được tiếng nói chung, lực cầu bắt đáy đã gia tăng cuối phiên, giúp các chỉ số hãm đà rơi, chỉ còn đóng cửa giảm nhẹ.
Tuy nhiên, cuối ngày thứ Hai, Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết lý do cụ thể hơn về tuyên bố của ông Trump đó là do Trung Quốc đã rút lại những cam kết đạt được trước đó.
Các tuyên bố này làm nỗi lo một lần nữa trở lại trong phiên thứ Ba với giới đầu tư, kích hoạt lệnh bán tháo tiếp tục diễn ra, đẩy các chỉ số phố Wall giảm mạnh. Dù thoát khỏi mức thấp nhất ngày, nhưng Dow Jones cũng có phiên giảm mạnh lớn thứ 2 trong năm nay, còn với S&P 500 và Nasdaq là phiên giảm mạnh lớn thứ 3.
Một thông tin tích cực là hôm thứ Ba, Trung Quốc cho biết, phái đoàn đàm phán của Bắc Kinh do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu vẫn đến Washington tuần này để tiếp tục vòng đàm phán tiếp theo.
Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Dow Jones giảm 473,39 điểm (-1,79%), xuống 25.965,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 48,42 điểm (-1,65%), xuống 2.884,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 159,53 điểm (-1,96%), xuống 7.963,76 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, cũng cùng chung nỗi lo về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, các thị trường chính trong khu vực tiếp tục có phiên lao dốc mạnh hôm thứ Ba. Ngoài ra, khu vực này còn bị ảnh hưởng bởi thông tin Ủy ban châu Âu cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung.
Kết thúc phiên 7/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 120,17 điểm (-1,63%), xuống 7.260,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 194,14 điểm (-1,58%), xuống 12.092,74 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 87,76 điểm (-1,60%) xuống 5.395,75 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản nhanh chóng lao dốc trong phiên giao dịch đầu tiên sau 10 ngày nghỉ lễ do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có diễn biến tiêu cực. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông hồi nhẹ trở lại sau phiên bán tháo đầu tuần kh Bắc Kinh xác nhận phái đoàn đàm phán của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu vẫn đến Washington trong tuần này để tiến hành vòng đàm phán tiếp theo.
Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 335,01 điểm (-1,51%), xuống 21.923,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,93 điểm (+0,69%), lên 2.926,39 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 153,20 điểm (+0,52%), lên 29.363,02 điểm.
Với những thông tin đầy rủi ro được công bố, giới đầu tư bán tháo trên thị trường chứng khoán để tìm đến các kênh trú ẩn an toàn khác như vàng, giúp giá kim loại quý này có phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong tuần. Tuy nhiên, đồng USD cũng được nhà đầu tư săn đón, nên tăng mạnh và hãm đà tăng của giá vàng.
Kết thúc phiên 7/5, giá vàng giao ngay tăng 3,5 USD (+0,27%), lên 1.284,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 1,8 USD (+0,14%), lên 1.285,6 USD/ounce.
Lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau thông tin căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, cùng với việc đồng USD tăng, giá dầu thô cũng giảm khá mạnh trong phiên thứ Ba, xuống mức thấp nhất 1 tháng.
Kết thúc phiên 7/5, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,85 USD (-1,37%), xuống 61,40 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,36 USD (-1,91%), xuống 69,88 USD/thùng.