Sản phẩm phân hủy sinh học có khả năng thay thế các sản phẩm truyền thống nhờ tính thân thiện môi trường, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Khi khái niệm bị đánh đồng
Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay ở bất cứ tỉnh thành nào của Việt Nam, từ cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ cho đến siêu thị, trung tâm thương mại đều có thể dễ dàng tìm thấy nhiều sản phẩm ghi nhãn mác tự hủy, thân thiện môi trường với đa dạng xuất xứ, nguồn gốc. Các sản phẩm này có giá thành rẻ, tiệm cận với các sản phẩm nhựa truyền thống và chủ yếu là các sản phẩm nhựa thông thường, nhựa tự hủy OXO chỉ có khả năng phân rã thành vi nhựa độc hại mà không có khả năng phân hủy.
“Không phân biệt được đâu là túi nhựa chỉ phân rã (làm từ nhựa tự hủy OXO) và túi nhựa phân hủy sinh học!” – đây là nhận xét chung của nhiều người đi mua hàng tại các siêu thị tại Hà Nội. Chị Đinh Thị Giang (Tây Sơn – Hà Nội) cho biết: “Thông thường tôi sẽ chọn mua những mặt hàng có ghi sản phẩm phân hủy sinh học chứ ít quan tâm đến thành thành phần trong đó.”
Những hiểu biết chưa tường tận về các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường của chị Giang cũng là tình trạng chung của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Chính những bao bì gắn mác “tự hủy sinh học”, “phân hủy sinh học” đã trở thành “tem đảm bảo” cho những sản phẩm nhựa tự hủy OXO đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn. Với giá thành rẻ hơn, cán cân thị trường đang nghiêng về phía nhựa tự hủy OXO.
Sản phẩm phân hủy sinh học có khả năng thay thế các sản phẩm truyền thống nhờ tính thân thiện môi trường, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. |
Chính vì bất cập này mà hiện nay, một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa phân hủy sinh học ở Việt Nam đi tìm “miền đất hứa” ở các thị trường khó tính khác như Châu Âu, Nhật Bản… Doanh nghiệp cũng “e ngại” khi đầu tư nguồn vốn lớn để phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, bởi nhìn thấy hiện trạng nhãn tiền: Sản phẩm nhựa phân hủy sinh học chưa thắng thế trên “sân nhà”.
Mở đường cho nhựa phân hủy sinh học
Trăn trở với con đường phát triển của ngành nhựa Việt Nam, ông Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) cho biết: “Nếu không có các biện pháp hạn chế các sản phẩm không thân thiện với môi trường, người dân sẽ vẫn tiếp tục sử dụng. Chúng ta có đánh thuế vào những sản phẩm đó nhưng mức thuế ấy không cao thì cũng khó tạo ra sự khác biệt lớn.”
Đồng quan điểm với ông Long, TS. Trịnh Thái Hà – Giám đốc Quốc gia Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa Việt Nam (NPAP) nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách, quy chế, quy chuẩn trong việc sử dụng bao bì nhựa, không gián tiếp cổ xúy cho loại vật liệu tiêu cực.
Đi đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ nhựa phân hủy sinh học, đại diện CTCP Nhựa An Phát Xanh (thành viên Tập đoàn An Phát Holdings) cho rằng, bên cạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại sản phẩm, hàng hóa có khả năng phát tán ra môi trường vi nhựa độc hại, Chính phủ nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm phân hủy sinh học thực sự.
Trong xu thế chung về sự phát triển năng động liên tục của ngành nhựa sinh học toàn cầu, tiềm năng phát triển thị trường nhựa phân hủy sinh học của Việt Nam rất lớn. Mở đường cho doanh nghiệp chủ động đầu tư vào sản xuất sản phẩm xanh chính là chìa khóa để tạo nên nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững.