Câu chuyện lương, thưởng cao trong khi vẫn kinh doanh thua lỗ của EVN khiến dư luận bức xúc - Ảnh: Vnexpress

Câu chuyện lương, thưởng cao trong khi vẫn kinh doanh thua lỗ của EVN khiến dư luận bức xúc - Ảnh: Vnexpress

Nói ít thôi hãy làm

Theo tôi, muốn tái cấu trúc nền kinh tế, trước hết chúng ta phải tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phải thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cho đến nay, việc tái cấu trúc khối này như thế nào vẫn đang là tranh luận của các chuyên gia, các nhà quản lý.

Tại hội thảo về tái cấu trúc DNNN gần đây do Bộ tài chính tổ chức, có rất nhiều ý kiến tranh luận, người bảo cổ phần hóa bằng hết, người nói phải giữ các DNNN nòng cốt. Tuy nhiên, đáng tiếc là trong số những người đến dự, không hề thấy bóng dánh đại diện DNNN lớn nào, cho thấy các DN này không mấy mặn mà với việc tái cấu trúc. Theo tôi, chúng ta đang thiếu người hoạt động thực tế, tức là người “xắn tay áo” lên làm, chứ không thiếu “thợ vẽ”.

Thử lấy EVN làm ví dụ. Năm 2010, EVN lỗ trên 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên, tập đoàn này và Bộ Công thương muốn tính số lỗ này vào giá thành, bắt người tiêu dùng phải gánh. Trong khi chưa chắc số lỗ trên là do EVN kinh doanh điện, vì ai cũng biết tập đoàn này đầu tư ngoài ngành và bị lỗ trong lĩnh vực tay trái rất nhiều. Thử hỏi, trong 50.000 DN đã phá sản và hàng trăm nghìn DN ở các khối khác có DN nào được ưu ái như thế? Nếu cứ được ưu ái như thế này, liệu EVN có còn nỗ lực để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động? Người tiêu dùng và ngân sách nhà nước không thể gánh mãi cho các doanh nghiệp như EVN mãi được. Khi EVN  kinh doanh lỗ thì phải được tính vào giá thành, nhưng khi lãi thì ai hưởng?  Còn nhớ, năm ngoái, EVN đề nghị trích 11.000 tỷ đồng  làm tiền thưởng. Tôi và hàng triệu người dân Việt Nam quá bất ngờ và bức xúc trước việc một DN kinh doanh lỗ nặng mà đòi thưởng to, lương cao gấp 3 lần mặt bằng chung năm 2009 mà còn kêu khổ.

Theo tôi, hướng đi khả quan nhất là Nhà nước nên cho cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược có năng lực về tài chính, quản lý và kinh nghiệm trong từng lĩnh vực. Nhà nước chỉ nên nắm cổ phần chi phối tại các ngành Nhà nước cần để điều tiết và định hướng chính sách của mình. Theo tôi, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ minh bạch hơn hiệu quả hơn.