Theo đánh giá của CTCK Sài Gòn (SSI), tốc độ tăng trưởng ngành công nghệ và viễn thông ước đạt 24 - 30% trong năm 2010. Vào năm 2011, ngành công nghệ sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, chủ yếu là do những nhân tố làm nên sự tăng trưởng của ngành vẫn bền vững: chi phí gia công phần mềm thấp, tăng trưởng kinh tế cao, ngành công nghệ được ưu tiên phát triển thông qua đề án phát triển công nghệ viễn thông đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong báo cáo "Tầm nhìn nội dung số Việt Nam 2004 - 2014", ông Lê Hồng Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) khẳng định: "Thị trường nội dung số đã bùng nổ trong giai đoạn 2004 - 2009 và sẽ tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới". Nhiều nhận định của các chuyên gia về tương lai của nội dung số Việt Nam cũng đồng quan điểm cho rằng, Việt Nam đã và đang trở thành "vựa lúa" của thị trường nội dung số trong khu vực.
Doanh thu của ngành nội dung số trong năm 2007 đạt 180 triệu USD. Đây là một thị trường được đánh giá là vô cùng mới mẻ và có khả năng tăng trưởng đột biến trong vòng 1 - 3 năm tới và sẽ là ngành công nghiệp mũi nhọn trong chiến lược phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam từ nay đến năm 2015. Mục tiêu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2015 là đạt doanh thu 17 - 19 tỷ USD, trong đó doanh thu nội dung số đạt 2 tỷ USD.
Sự xuất hiện của 3G tại Việt Nam càng khiến dịch vụ nội dung số thêm đất để đâm chồi nảy lộc. Trong thời điểm giao thời "tranh sáng, tranh tối" này, một số nhà cung cấp dịch vụ nội dung số đã "cựa mình" và có những bước đón đầu 3G khá chững chạc. Mới đây, nhà cung cấp dịch vụ nội dung số lớn nhất Nhật Bản NTT Solmare và CTCP Công nghệ Tinh Vân đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về việc cung cấp truyện tranh Nhật Bản trên điện thoại di động (ĐTDĐ) tại Việt Nam. Việc phân phối truyện tranh Nhật Bản thông qua dịch vụ Icomic của Viettel sẽ là bước đầu tiên của hợp tác chiến lược này, tiếp sau đó sẽ là các nhà khai thác di động lớn khác tại Việt Nam. Các truyện tranh Nhật Bản do NTT Solmare cung cấp cho di động có các hiệu ứng rung, chuyển khung hình và các hiệu ứng âm thanh phù hợp với nội dung truyện, do đó rất hấp dẫn người xem.
Tính đến tháng 3/2008, ngành công nghiệp truyện tranh Nhật Bản đã thu được 32,9 tỷ yên lợi nhuận từ việc xuất bản manga trên ĐTDĐ, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Người đọc hứng thú với thể loại này bởi sự tiện lợi và chi phí phải chăng của nó. Nhiều chuyên gia cho rằng, tương lai của nền công nghiệp truyện tranh dựa vào ĐTDĐ hơn là trên giấy.
Trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, CTCP Công nghệ Tinh Vân, Công ty Thông tin di động VMS đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức cuộc thi sáng tác truyện tranh cho ĐTDĐ. Chỉ diễn ra trong 5 tháng, nhưng cuộc thi đã thu hút được 60 tác phẩm dự thi đến từ khắp nơi trên cả nước, chứng tỏ tiềm lực sáng tác trong lĩnh vực này rất dồi dào. Phát biểu tại buổi lễ trao giải, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nói: "Việc triển khai dịch vụ xem truyện tranh trên ĐTDĐ của Tinh Vân mới đây với các nhà mạng đã góp phần làm phong phú thêm cho ngành công nghiệp nội dung số. Và những cuộc thi như thế này sẽ làm tăng thêm đầu vào cho các sản phẩm, dịch vụ nội dung số, đặc biệt đây lại là các tác phẩm của Việt Nam, mang màu sắc văn hóa riêng của Việt Nam. Chúng tôi rất hoan nghênh ý tưởng của cuộc thi Nét Rồng thiêng".
Mới đây, một số chuyên gia trên thế giới đã dự đoán, những năm giữa của thế kỷ 21 sẽ là đỉnh cao của sự phát triển các ứng dụng trên ĐTDĐ. Lượng người sử dụng ĐTDĐ có nhiều ứng dụng thường tập trung vào giới trẻ và dần dà sử dụng điện thoại có tích hợp công nghệ, ứng dụng và kết nối Internet đã thành một lối sống. Chính giới trẻ đang dần tạo ra sắc thái riêng và đẩy sự phát triển các nội dung số trên ĐTDĐ trở nên không thể tưởng tượng được. Thế giới quảng cáo, tiếp thị, cuộc sống ảo trên các mạng cộng đồng cũng theo đó mà “lũ lượt” kéo nhau lên màn hình nhỏ xinh của chiếc ĐTDĐ.
Theo báo cáo của các chuyên gia nghiên cứu thị trường của Mỹ, quảng cáo bằng các mảng thông tin trên ĐTDĐ đang thay thế dần xu hướng quảng cáo trên các web hiển thị trên màn hình vi tính… Hàng loạt cách thức quảng cáo, truyền thông mới trên màn hình di động qua các ứng dụng số đang thi nhau "đua nở" và tạo ra một thị trường thật sự sôi động trên một diện tích nhỏ đến không ngờ của chiếc di động. Thế giới nội dung số đang bước vào sự cách tân thật sự!
Tuy nhiên, để công nghiệp nội dung số của Việt Nam phát triển bền vững cần có sự đầu tư bài bản ở quy mô lớn. Một khi có những bước đi vững chắc, thị trường nội dung số sẽ đem lại những "chùm quả ngọt" cho những doanh nghiệp năng động và biết nắm bắt thời cơ. Đây là lĩnh vực đầu tư có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong thời gian tới. Việc đầu tư giá trị vào lĩnh vực này trong thời gian này vừa rủi ro thấp, vừa đón cơ hội lớn trong tương lai.