Nội dung số “bẩn” hết cửa sống

0:00 / 0:00
0:00
Với nhiều chính sách mới và giải pháp kỹ thuật từ các nền tảng, ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam sẽ được “làm sạch” trong thời gian tới.

Nở rộ nhà sáng tạo nội dung số tại Việt Nam

Tổng hợp báo cáo của AccessTrade Việt Nam, DC Media Global và TikTok Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có 3,7 triệu tài khoản người dùng có thu nhập từ nền tảng TikTok; có 6 kênh YouTube tại Việt Nam đạt hơn 10 triệu lượt theo dõi và hơn 1.800 kênh có hơn 1 triệu người theo dõi; bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.

Những con số trên cho thấy, ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, với sự tham gia ngày càng đông đảo của lực lượng nhà sáng tạo nội dung Tiktoker, Youtuber và streamer.

Trong những năm gần đây, sáng tạo nội dung số trên các nền tảng tại Việt Nam đã phát triển từ sáng tạo mang tính cá nhân để giải trí sang một ngành công nghiệp chuyên nghiệp, trở thành các kênh bán hàng, quảng cáo cho các nhãn hàng, sản phẩm của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Minh Đình Như, Giám đốc Tăng trưởng của Publicis Groupe Vietnam cho biết, nhà sáng tạo nội dung giúp các nhãn hàng tăng tỷ lệ tương tác gấp 2,5 lần so với quảng cáo truyền thống, đặc biệt đối với nhóm khách hàng trẻ tuổi.

“Giai đoạn 2019-2023 chứng kiến sự bùng nổ của TikTok tại Việt Nam, với gần 4 triệu nhà sáng tạo nội dung tham gia, thúc đẩy ngân sách marketing của các thương hiệu gia tăng mạnh mẽ, từ 20% trong năm 2023 lên 30% vào năm 2024”, bà Như cho biết.

Còn bà Phương Huỳnh, Quản lý đối tác chiến lược của YouTube tại Việt Nam chia sẻ, hơn 30% nhà sáng tạo nội dung Youtuber tại Việt Nam nhận được thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Các Youtuber đã góp phần tạo môi trường số lành mạnh, truyền năng lượng tích cực, sự lạc quan cho mọi người. Nền tảng này tập trung vào các tính năng như mua sắm trực tuyến, nhưng vẫn duy trì giá trị cốt lõi là xây dựng cộng đồng lành mạnh, mang lại giá trị kinh tế và tạo tác động xã hội tích cực.

Tạo môi trường lành mạnh để nội dung số phát triển

Bên cạnh mặt tích cực, thời gian qua, trên các nền tảng cũng xuất hiện nhiều nội dung vi phạm, độc hại, như chống phá Đảng và Nhà nước, kích động bạo lực, tuyên truyền mê tín dị đoan, quảng cáo bán hàng không đúng sự thật, đưa tin giả - tin sai sự thật…, gây bức xúc cho người dùng.

Để đảm bảo một môi trường lành mạnh, công bằng, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ là bước ngoặt trong việc tăng cường quản lý không gian mạng khi yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok phải đăng ký hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông nếu chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nền tảng và người dùng phải chịu trách nhiệm đối với nội dung không lành mạnh. Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu từ chối hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung vi phạm.

Cùng với đó, những sửa đổi, bổ sung trong Luật Quảng cáo (sửa đổi) sắp được ban hành sẽ bao gồm những quy định chặt chẽ trong việc phân biệt rõ giữa người quảng cáo và người đánh giá (review) sản phẩm, đồng thời yêu cầu người nhận quảng cáo phải thông báo những nội dung có yếu tố quảng cáo, hoặc gắn nhãn quảng cáo cho sản phẩm trên nền tảng xã hội.

“Cơ quan quản lý đang áp dụng và từng bước có hiệu quả đối với các nhà sáng tạo nội dung không lành mạnh. Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp... từ chối hợp tác, làm việc với các nhà sáng tạo nội dung ‘bẩn’ để tạo nên một môi trường sạch, tốt hơn trên nền tảng số”, ông Tự Do cho hay.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam cho biết, TikTok đã phát triển bộ tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng cho tất cả người sáng tạo nội dung, đồng thời cung cấp các công cụ hỗ trợ như bộ lọc (filter) để ngăn chặn các nội dung vi phạm. TikTok cho rằng, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP sẽ tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành sáng tạo nội dung, đồng thời bảo vệ người dùng trước các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, YouTube áp dụng chiến lược kiểm soát thông tin theo phương pháp đa lớp. Nền tảng này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động phát hiện các nội dung vi phạm, kết hợp với đội ngũ chuyên gia và hệ thống cờ cộng đồng để xử lý những trường hợp phức tạp. Ngoài ra, YouTube cung cấp các tính năng giúp người dùng bảo vệ quyền riêng tư, như ẩn nhận xét độc hại. YouTube cam kết tiếp tục cải tiến công nghệ nhằm duy trì sự an toàn và tin cậy cho người dùng.

“Chúng tôi trao quyền cho người dùng, họ có thể chặn kênh mình không thích, ẩn nhận xét nguy hiểm khi livestream thời gian thực”, bà Phương Huỳnh nói.

Còn bà Nguyễn Phương Chi, Quản lý chính sách công thị trường Việt Nam của Tập đoàn Meta cho hay, Meta tập trung đầu tư vào chính sách và công nghệ bảo mật, song song với việc nâng cao nhận thức người dùng thông qua các chiến dịch giáo dục. Dự kiến, Công ty sẽ đầu tư 20 tỷ USD cùng 40.000 nhân sự toàn cầu từ năm 2026 để tăng cường kiểm soát thông tin. Ngoài ra, Meta cũng sẽ giới thiệu công nghệ nhận diện gương mặt, giúp phát hiện các video giả mạo và các nội dung lừa đảo khác.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý quảng cáo trên mạng và đề xuất bổ sung vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Bộ này cũng triển khai hệ thống kỹ thuật rà quét, tăng cường xử lý vi phạm với các đại lý quảng cáo, nhãn hàng có sản phẩm quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc. Đồng thời, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải kết hợp công nghệ AI và nhân sự chủ động kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo, vị trí cài đặt quảng cáo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

Tin bài liên quan