Nỗi đau “úp sọt”

Nỗi đau “úp sọt”

(ĐTCK) Không ít CTCK vẫn chưa nguôi ngoai về cú sốc cho vay ký quỹ (margin) diễn ra trong quý III năm nay, khi mình trở thành đối tượng bị “úp sọt” trên thị trường chứng khoán. Người trong nghề kháo nhau rằng, có công ty chịu thiệt hại tới hơn trăm tỷ đồng.

Chiêu thức mắc bẫy của các CTCK đều có điểm chung, đó là: doanh nghiệp niêm yết tăng vốn “khủng”, giá cổ phiếu trên sàn tăng mạnh, chứng khoán được đem ký quỹ tại CTCK, sau một thời gian, giá cổ phiếu đột ngột tuột dốc, nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người”, CTCK cuống cuồng bán giải chấp, nhưng sức cầu gần như bằng không, vậy là CTCK đành ngậm ngùi “ôm giấy, mất tiền”.

Trách ai bây giờ? Đó đều là những cổ phiếu có tên trong danh sách được phép ký quỹ mà hai Sở Giao dịch chứng khoán đã công bố, CTCK cũng không vung tay cho vay vượt tỷ lệ quy định. Trục trặc ở đây có lẽ là “độ nhạy” trong quản trị rủi ro, mà cái này rất khó đo đếm bằng những quy định chi tiết.

Quyết định 637 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán chỉ nêu, chứng khoán đủ điều kiện giao dịch ký quỹ bao gồm: cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư niêm yết giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán, không bao gồm các chứng khoán đăng ký niêm yết giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM và không thuộc các trường hợp: có thời gian niêm yết dưới 6 tháng tính đến thời điểm công bố danh sách; trường hợp cổ phiếu chuyển sàn niêm yết thì thời gian niêm yết được tính là tổng thời gian niêm yết ở cả hai Sở Giao dịch chứng khoán; bị đặt trong tình trạng bị tạm ngừng giao dịch, bị đưa vào diện cảnh báo, bị hủy niêm yết, bị đưa vào diện kiểm soát; kết quả kinh doanh của tổ chức niêm yết chứng khoán là có lỗ căn cứ trên báo cáo tài chính gần nhất đã kiểm toán, hoặc có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán (tùy trường hợp nào gần nhất thời điểm xem xét)…

Tổng giám đốc một CTCK trong top 10 môi giới cho biết, cũng rất may, công ty ông không bị dính cổ phiếu “giấy” nào trong “cơn bão margin” vừa qua.

Những cổ phiếu phát hành thêm như vậy thực chất không có giá trị, bởi doanh nghiệp hầu như không có hoạt động sinh ra tiền, phát hành cho cổ đông hiện hữu không ai mua.

Ấy vậy mà có những nhà đầu tư lại tự nguyện nhận mua hết số cổ phần “ế” với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần thị giá.

Những cổ phiếu như vậy, theo định giá của vị tổng giám đốc này, chỉ đáng 500 đồng/CP, bằng đúng chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để in được chúng. Vậy nhưng có thời điểm, ông nhận được đề xuất của cán bộ cấp dưới cho vay ký quỹ những cổ phiếu này tới 7.000-8.000 đồng/CP. Nếu không tỉnh táo, không gạt đi những đề nghị như vậy, rất có thể giờ này công ty cũng chịu nỗi đau mất vốn.

Trong câu chuyện bên lề với một cán bộ có trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vị này nói rằng, “độ nhạy” về quản trị rủi ro trong nghiệp vụ cho vay ký quỹ là vô cùng cần thiết. Vậy nên mới có chuyện, cùng một mã chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ, nhưng có công ty cho vay với tỷ lệ thấp, có nơi chấp nhận tỷ lệ cao, thậm chí có CTCK còn thẳng thừng từ chối.

Vậy là năm 2017 các CTCK lại cần bổ sung thêm mấy bài học về quản trị rủi ro, nếu không muốn những “nỗi đau âm thầm” có dịp trở lại.

Tin bài liên quan