Từ hơn 5 năm qua, cụm nhà máy điện - thép Vinashin Cái Lân - những công trình trị giá hơn 3.300 tỷ đồng từng được kỳ vọng là góp phần xây dựng một mũi nhọn công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu Việt Nam - đã rơi vào cảnh hoang tàn, mục nát bên bờ vịnh Cửa Lục (TP. Hạ Long, Quảng Ninh).
Tan hoang nhà máy thép ngàn tỷ đồng
Lau lách, cỏ dại mọc rậm rạp, cao ngút đầu người khiến con đường đầy ổ trâu từ Quốc lộ 18 dẫn vào Nhà máy Cán nóng thép tấm Cái Lân (Thép Cái Lân) - công suất 500.000 tấn/năm, do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin)đầu tư, nay thuộc sở hữu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) - như đâm vào hẻm cụt.
Dưới bầu trời xám xịt trong tiết đông chí, Nhà máy Thép Cái Lân – khu vực hiếm hoi còn le lói sức sống trong số phế tích của Vinashin tại Khu công nghiệp Cái Lân càng thêm cô quạnh. Gió từ vịnh Cửa Lục thổi lộng từng hồi như muốn giật tung những mảng tôn trên nóc nhà máy đang tàn tạ hệt như câu khẩu hiệu chữ to, kẻ trắng dọc tường đã bị rụng gần sạch chữ, không thể luận được nội dung.
Trong khu vực nhà máy cán nóng thép tấm có công suất lớn nhất nước này, toàn bộ giàn máy nặng hàng chục ngàn tấn được nhập từ Trung Quốc có thể cán nóng thép tấm có độ dày từ 5 đến 50 mm, khổ rộng 1,6 - 3 m, dài 6 - 18 m, đạt tiêu chuẩn khắt khe của các tổ chức đăng kiểm tàu biển quốc tế như DNV (Na Uy), Lloy’ds (Anh), ABS (Hoa Kỳ)… nằm câm lặng, hoen gỉ trong một nhà xưởng rộng mênh mông, thông thống gió lùa.
Vừa quát con chó vàng của tổ bảo vệ nuôi xồ ra từ một góc máy nào đó, Vương Văn Thủy vừa lấy tay miết đám bụi dày để chỉ cho tôi thấy tên nhà sản xuất Trung Quốc được ghi trên lốc máy cán thép nặng 3.000 - 4.000 tấn mới toanh, chưa một lần vận hành chính thức, dù nhà máy hiện đã hoàn thành hơn 95% hạng mục.
Thủy, một trong ba cán bộ kỹ thuật còn sót lại trong số hơn 210 lao động từng ký vào bảng lương Nhà máy thời kỳ cao điểm, giờ nhận lương 3 triệu đồng/tháng để thỉnh thoảng vận hành hệ thống máy bơm để ngăn nước triều cường ngập tới nóc hầm máy.
Điều đáng buồn là, đó lại là hoạt động bảo trì gần như duy nhất tại nhà máy thép có tổng mức đầu tư lên tới 1.359 tỷ đồng. Việc chạy không tải để kiểm tra tình trạng máy móc là điều xa xỉ do Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân - đơn vị được SBIC giao quản lý không lo nổi kinh phí.
“Nghe nói, để vận hành lại sẽ cần ít nhất 300 - 400 tỷ đồng để khôi phục lại những thiết bị đã bị hỏng hóc từ rất lâu. Hơn 5 năm qua, dây chuyền không một lần được cấp điện hoặc bôi dầu mỡ, nên chả cứ thép bị hoen gỉ, mà bo mạch điều khiển chắc cũng chết hết từ đời nào”, Thủy chua chát nói.
Cần phải nói thêm rằng, dây chuyền thiết bị cán nóng thép tấm nhập từ Trung Quốc được Tổng thầu Cửu Long lắp đặt từ tháng 6/2009 theo hình thức chìa khóa trao tay với giá trị thực hiện tạm tính là 1.164 tỷ đồng.
“Nói nhà máy chưa từng vận hành là “hơi oan”, vì trong giai đoạn chạy thử từ tháng 6 - tháng 8/2010, dây chuyền này đã cán được 5.000 tấn thép với kết quả đạt chất lượng theo phương pháp thử ASTM của Hoa Kỳ”, ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc Nhà máy Thép Cái Lân phân bua.
Theo ông Văn, đã có 3.000 tấn thép thành phẩm được Nhà máy xuất ra nước ngoài, 2.000 tấn thép tấm còn lại vì nhiều lý do vẫn chất đống ở góc xưởng, nay đã bị hoen gỉ toàn bộ bề mặt, rỗ sâu như vẩy cá.
“Đám thành phẩm này giờ hư hỏng tới mức không một cơ quan đăng kiểm nào cho phép đưa vào đóng tàu, nên chỉ còn nước đưa đi nấu lại. Tuy nhiên, xử lý thế nào, bán với giá nào giờ không thuộc quyền của Nhà máy, mà là của các tổ chức tín dụng”, ông Vũ Văn Bình, Phó giám đốc Nhà máy Thép Cái Lân cho biết.
Nguội ngắt nhà máy điện
Ông Hoàng Việt Văn từ chối cho phóng viên biết hiện trạng hư hỏng, mất mát của nhà máy thép, song theo báo cáo mới nhất vừa được SBIC gửi Bộ Giao thông - Vận tải đầu tháng 12/2015, từ cuối năm 2010 tới nay, toàn bộ Nhà máy không hoạt động và đã xuất hiện rõ những dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp của thiết bị, đặc biệt là đối với các thiết bị điện, hệ thống thủy lực đặt sâu dưới các tầng hầm.
“Nhiều thiết bị như cứu hỏa, điều hòa, thông gió, máy công cụ… được lưu giữ, bảo quản theo kiện, thùng đặt rải rác trong các khu xưởng đều rất khó giữ được chất lượng ban đầu”, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC nêu rõ trong báo cáo gửi Bộ Giao thông - Vận tải.
Trước đó, cơn bão lớn giữa năm 2012 đổ vào Quảng Ninh đã giáng một đòn chí tử lên dàn máy móc, thiết bị này khi cuốn tung nhiều lớp mái nhà xưởng. Phải mãi tới cuối năm 2014, Nhà máy mới lợp lại được mái nhờ vào kinh phí từ việc cho thuê một phần kho không sử dụng.
Nằm cách khu phế tích thép không xa là Nhà máy Điện diesel Cái Lân, gồm 6 tổ máy với công suất 6,5 MW/tổ máy, có mục tiêu phục vụ sản xuất cho Nhà máy Thép. Điện Cái Lân thậm chí còn nguội lò đốt từ cuối năm 2009, trước khi thép ra được mẻ sản phẩm đầu tiên.
Tình trạng tại Nhà máy Điện diesel Cái Lân có giá trị quyết toán A – B lên tới 939,5 tỷ đồng, thậm chí còn thê thảm hơn. Chính thức vận hành từ tháng 4/2007, nhưng do Nhà máy Thép chưa hoạt động, nên toàn bộ sản lượng điện được phát lên lưới điện quốc gia, trong đó Tổ máy số 5 có thời gian chạy lâu nhất là 11.393 giờ. Trong quá trình hoạt động, do thiết bị chính được “tháo” từ một nhà máy điện cũ của Trung Quốc, cộng với tình trạng thiếu phụ tùng thay thế, nên Nhà máy phải lần lượt “moi” thiết bị của các tổ máy M2, M3, M6 để gán vào các tổ máy M1, M4, M5. Vì thế, thực chất, ngay trong giai đoạn cao điểm nhất, Nhà máy cũng chỉ chạy với 1/2 công suất thiết kế.
Cuối năm 2009, Nhà máy chính thức “nguội lò” do không có vốn lưu động và không đủ phụ tùng thay thế. Sau khi Nhà máy Điện “chết lâm sàng” đến cuối năm 2012, Trạm biến áp TBA 110 KV/10,5 KV cũng “chết” theo, do lượng điện tiêu thụ tại các nhà máy trong cụm công nghiệp quá thấp không đủ bù tiêu hao.
Điều đáng lo ngại là, tình trạng chết lâm sàng đã lan khắp cụm công nghiệp phụ trợ đóng tàu của SBIC. Các nhà máy được Vinashin lập ra với hy vọng khép kín chu trình chế tạo tàu biển, như Nhà máy Cửa nhựa, Nhà máy Cấu kiện thép trị giá cả trăm tỷ đồng được đầu tư trong lúc ngành công nghiệp đóng tàu cực thịnh (năm 2008) đều đã tan hoang, chìm trong lau lách.
Hiện cụm điện Cái Lân gồm 2 dự án: Nhà máy Điện Cái Lân và công trình đấu nối Nhà máy Điện Cái Lân dù đang được niêm phong, nhưng trước đó, máy móc đã bị mất mát khá nhiều. Do không có kinh phí, Công ty chỉ duy trì được một lực lượng bảo vệ rất mỏng, địa bàn khu vực Cái Lân lại nổi tiếng phức tạp ở Quảng Ninh, nên nếu có bị mất cắp cũng là điều dễ hiểu.
Được biết, nhà máy phát điện mới được SBIC hỗ trợ kéo lại điện phục vụ cho công tác bảo vệ từ vài tháng nay. Trước đó, nhà máy này là nơi tối nhất ở Cái Lân, luôn trong tình trạng 2 “không”: không điện, không nước, do bị Điện lực Quảng Ninh cắt điện vì không trả được tiền điện.
“Tập đoàn chưa thoát khỏi khó khăn, nên không hỗ trợ Công ty được nhiều. Chúng tôi mấy năm nay tự cầm hơi nuôi nhau để bảo vệ tài sản Nhà nước bằng tiền cho thuê kho với điều kiện không được ốm đau vì đơn vị không đóng được tiền bảo hiểm y tế”, ông Văn chia sẻ.
Đáng lo ngại là, sau đại án Vinashin được đưa ra xét xử, các đoàn công tác của SBIC, Bộ Giao thông - Vận tải đến đây tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn thưa dần, mặc cho cụm công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu từng được kỳ vọng là góp phần xây dựng một mũi nhọn công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu Việt Nam bị rơi vào cảnh hoang tàn, mục nát.
“Gần năm chục anh chị em chúng tôi “sống mòn” nhiều năm nay chỉ mong khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước không bị lãng quên, có cơ hội sống lại theo cách nào đó để giảm bớt thiệt hại cho Nhà nước”, Phó giám đốc Vũ Văn Bình đau đáu.
(Còn tiếp)