Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế với TP. Đà Nẵng. Ảnh: A.M

Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế với TP. Đà Nẵng. Ảnh: A.M

Nối dài huyền thoại đường Hồ Chí Minh

Khởi nguồn từ đường Trường Sơn - con đường huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường Hồ Chí Minh - trục dọc xuyên Việt thứ hai đang đóng vai trò là sợi dây hữu hình kết nối, làm giàu cho đất nước.

Quyết định sáng suốt

Cho đến thời điểm này, ông Hà Đình Cẩn, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam, sau này là Tổng giám đốc đầu tiên của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vẫn nhớ rất rõ buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt với lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào đầu năm 1996.

Ông Cẩn, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), rất ấn tượng với nhiều nội dung được ông Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đặt hàng với ngành giao thông, đặc biệt là yêu cầu “sớm khảo sát, lập dự án, xây dựng xa lộ Bắc - Nam”.

“Ngay từ lúc đó, ông Sáu Dân đã hình dung, trục dọc mới này phải tương đương như xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa về quy mô mặt cắt ngang, chạy suốt từ Bắc vào Nam để không còn cảnh ách tắc mà năm nào cũng xảy ra trong mùa bão lụt ở miền Trung”, ông Cẩn nhớ lại.

Cần phải nói thêm rằng, trong bối cảnh cả nước còn loay hoay với nhiệm vụ khôi phục các tuyến quốc lộ bị tàn phá sau chiến tranh, ý tưởng này thực sự táo bạo, vượt quá hình dung của nhiều người, nhưng cũng là khát vọng chung của rất nhiều cán bộ, lãnh đạo ngành GTVT vốn xuất thân từ chiến sỹ, thanh niên xung phong đường Trường Sơn.

Đây cũng là lý do khiến tư lệnh ngành GTVT khi đó là Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã huy động tổng lực các cơ quan tham mưu chủ chốt của Bộ GTVT khẩn trương vào cuộc, trong đó, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) được giao nhiệm vụ là đơn vị tư vấn lập quy hoạch và dự án khả thi.

Vào đầu tháng 3/1997, chuyến khảo sát tuyến đầu tiên do ông Nguyễn Ngọc Long, nguyên Tổng giám đốc TEDI, Chủ nhiệm tổng thể đồ án dẫn đầu được khởi hành.

“Nhiều đoạn tuyến đi trùng với đường Trường Sơn năm xưa, nhưng sau hơn 25 năm vẫn chỉ là những con đường đất đá nhỏ bé, quanh co. Đồng bào ở khu vực này đều rất nghèo, cơ cực. Chúng tôi đều cảm thấy có lỗi với quá khứ và thầm nhủ phải quyết tâm hết sức mình, góp phần vào sự thành công của Dự án”, ông Long hồi tưởng.

Vào tháng 4/1997, Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam với 14 thành viên đại diện các bộ, ngành liên quan. Ban Chỉ đạo đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó thủ tướng Trần Đức Lương và Đặc phái viên Chính phủ Đồng Sỹ Nguyên giúp Thủ tướng chỉ đạo Ban. Đúng 5 tháng sau, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, ngày 24/9/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 789/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Tổng thể xa lộ Bắc - Nam với hướng tuyến chủ yếu chạy dọc phía Tây. Đây là một trong những văn bản cuối cùng được ông ký trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.

Ông Cẩn cho biết, lý do khiến ông Võ Văn Kiệt chọn phương án này là bởi vùng đất phía Tây tiềm năng rất lớn, với hàng chục triệu héc-ta đất lâm nghiệp, đất làm công nghiệp, nhiều tài nguyên khoáng sản, nguồn thủy điện dồi dào…, nhưng chưa được khai thác, tận dụng. Lại có tới hơn 10 triệu dân, với trên 70% là dân tộc ít người đã và đang một lòng, một dạ theo cách mạng.

Vượt khó

Tuy nhiên, việc triển khai tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do tiềm lực kinh tế của đất nước còn thấp, nên công trình xa lộ Bắc - Nam đã tạm gác lại.

Trong năm 1998, tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới diễn biến phức tạp; trong nước mưa bão gây lũ lụt lớn xảy ra liên tiếp ở miền Trung, gây thiệt hại to lớn về người và của, tắc nghẽn giao thông trên tuyến Bắc - Nam và hư hỏng nhiều kết cấu hạ tầng giao thông. Đứng trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã coi việc sớm nối thông trục dọc thứ hai ở miền Trung (đoạn từ Hà Tĩnh vào đến Ngọc Hồi, Kon Tum) là một nhiệm vụ đột xuất và cấp bách nhằm góp phần bảo đảm giao thông trong mọi tình huống.

“Nếu không có trận lũ lụt lịch sử làm ách tắc Quốc lộ 1 đoạn qua miền Trung cả tháng trời, thì đường Hồ Chí Minh chưa chắc đã được khởi động”, ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.

Trước tính cấp bách của công trình, đến tháng 8/1998, Bộ Chính trị chính thức đồng ý triển khai công trình và đổi tên công trình xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh. Ngày 5/4/2000, tại Xuân Sơn (Quảng Bình), Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã chính thức phát lệnh khởi công xây dựng giai đoạn I của Dự án đường Hồ Chí Minh.

Ngay sau ngày khởi công ít lâu, đã có không ít ý kiến cho rằng, đây là công trình quan trọng quốc gia, tại sao Chính phủ không trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư mà đã khởi công xây dựng?

Trước tình hình đó, Chính phủ được yêu cầu giải trình trước Quốc hội. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn giao Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh chuẩn bị báo cáo để giải trình. Tuy nhiên, lúc đó, Quốc hội chưa có Nghị quyết về việc đưa ra tiêu chuẩn công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội, nhưng dự án đường Hồ Chí Minh lại rất quan trọng vì gắn với chính trị, gắn với huyền thoại, nên phải trình bày báo cáo thế nào để thuyết phục được các đại biểu Quốc hội, đồng thời phù hợp với tính chất quan trọng của Dự án.

Sau hơn 3 năm làm việc không ngừng nghỉ với nhiều lần tiếp thu, sửa đổi, sáng 5/11/2004, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình đã đọc tờ trình về Dự án đường Hồ Chí Minh trước phiên họp toàn thể tại hội trường Quốc hội.

“Đúng 7h sáng 25/11/2004, khi biết tin 77,17% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Dự án, chúng tôi như trút được gánh nặng ngàn cân”, ông Sơn nhớ lại.

Ngày 3/12/2004, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã ký Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực hiện Dự án cho đến khi hoàn thành. Ngoài các mục tiêu kinh tế, Dự án đường Hồ Chí Minh còn được kỳ vọng là góp phần bảo đảm phòng thủ biên giới, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Theo ông Sơn, quyết định xây dựng đường Hồ Chí Minh khi đó rất sáng suốt, bởi nếu chần chừ, thì chúng ta không thể có tuyến đường xuyên Việt thứ hai và đang trở thành động lực phát triển cho nhiều vùng của đất nước.

Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực đất nước giai đoạn này còn nhiều khó khăn, nên mục tiêu đến năm 2010 nối thông toàn tuyến từ Pác Pó đến Đất Mũi theo Nghị quyết 38/2004/QH11 không thực hiện được. Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 38/2004/QH11. Theo Nghị quyết 66/2013/QH13, đường Hồ Chí Minh dài 3.183 km từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) và toàn tuyến sẽ được nối thông quy mô 2 làn xe vào năm 2020, sau năm 2020 sẽ nghiên cứu đầu tư nâng cấp một số đoạn thành đường cao tốc.

Và định hình

Nếu như ông Sáu Dân là người đề ra ý tưởng xây tuyến xa lộ Bắc – Nam, thì Đặc phái viên Chính phủ Đồng Sỹ Nguyên là một trong những người có công rất lớn trong quá trình triển khai xây dựng tuyến đường.

“Năm 2000 khởi công Dự án đường Hồ Chí Minh, ông đã 77 tuổi, nhưng vẫn đi công tác trên tuyến đường ít nhất mỗi tháng 1 lần, chưa kể các chuyến đi đột xuất. Chuyến ngắn thì 5 ngày, dài thì 2 tuần. Mục đích đi là kiểm tra tiến độ, đôn đốc, lắng nghe ý kiến từ công trường để tháo gỡ vướng mắc”, ông Sơn kể.

Theo ông Sơn, trong những chuyến công tác, tướng Đồng Sỹ Nguyên đều thể hiện sự điều hành công việc từ tổng thể đến tỉ mỉ từng chi tiết. Kiểm tra công trường, thấy khó khăn, ông yêu cầu Ban Quản lý dự án phải có ý kiến ngay để tháo gỡ. Những vấn đề liên quan đến địa phương, ông đề nghị Văn phòng Chính phủ có công thư cho UBND tỉnh nhắc nhở, đôn đốc. Việc gì liên quan đến Bộ GTVT và các bộ, ngành thì ông đề nghị xử lý ngay. Còn cái gì vượt thẩm quyền các bộ, ông báo cáo Thủ tướng xử lý nhanh chóng.

Trên thực tế, rất hiếm có một công trình giao thông nào trong quá trình thi công lại nhận được sự quan tâm, ủng hộ như đường Hồ Chí Minh. Ngay cả các đơn vị thi công cũng coi việc tham gia xây dựng là một vinh dự, là hành động tri ân đối với những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống trên tuyến lửa năm xưa.

Tính đến thời điểm này, sau 19 năm xây dựng, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 2.140 km/2.744 km tuyến chính (đạt 78%) và khoảng 258 km tuyến nhánh.

Được biết, với những đoạn đường Hồ Chí Minh hoàn thành về cơ bản đã đáp ứng các mục tiêu xây dựng và phát huy ngay hiệu quả đầu tư dự án, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy các địa phương phía Tây đất nước phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội; thực hiện tốt chức năng là trục xuyên Việt thứ hai, hỗ trợ Quốc lộ 1, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo giao thông thông suốt khi Quốc lộ 1 bị ắch tắc trong mùa mưa lũ...

Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, người được coi là đại diện cho thế hệ thứ ba tại đơn vị này cho biết, ngoài các dự án đã hoàn thành, đường Hồ Chí Minh đang tiếp tục đầu tư 212 km, trong đó có dự án cao tốc đầu tiên của đường Hồ Chí Minh là đoạn La Sơn - Túy Loan được đầu tư theo hình thức BT bằng vốn vay tín dụng của Ngân hàng Tokyo - Mitsumishi UFJ (Nhật Bản). Về cơ bản, việc triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh vẫn đang bám sát các mục tiêu của Nghị quyết 66/2013/QH13.

“Tháng 6/2019, chúng tôi sẽ thông xe 60 km đường cao tốc La Sơn - Túy Loan quy mô 2 làn xe đầu tiên, bước đầu cụ thể hóa mục tiêu “xa lộ hóa” đường Hồ Chí Minh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt”, ông Hoàng chia sẻ.

Ngày 3/12/2004, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã ký Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh với điểm đầu của tuyến đường từ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) và điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).

Đường Hồ Chí Minh đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước với mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô 2 - 8 làn xe.

Nghị quyết này là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực hiện Dự án cho đến khi hoàn thành

Tin bài liên quan