Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức trong quá trình xây dựng.

Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức trong quá trình xây dựng.

Nội chiến ở Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức đến hồi minh định - Bài 2: Cơ quan chức năng phân định trắng đen

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc chiến trong nội bộ chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức (Binh Dương) khiến các nhà đầu tư hoang mang. Đã đến lúc phải làm rõ hành vi của các cá nhân, tổ chức liên quan để Dự án tiếp tục phát triển.

Với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức (phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) được đánh giá là một trong những dự án tiềm năng hàng đầu trên thị trường nhà đất TP. Thủ Dầu Một hiện nay, kỳ vọng góp phần thay đổi diện mạo đô thị tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, cuộc chiến trong nội bộ chủ đầu tư Dự án khiến các nhà đầu tư vô cùng hoang mang. Đã đến lúc phải làm rõ hành vi của các cá nhân, tổ chức liên quan để Dự án tiếp tục phát triển.

Bài 2: Cơ quan chức năng phân định trắng đen

Trước cuộc “đại chiến” đến mức muốn đưa nhau vào tù của các cổ đông Công ty Thành Nguyên liên quan Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức, hàng loạt cơ quan chức năng, kể cả công an, đã vào cuộc để điều tra, làm rõ.

Có hay không việc giả mạo hồ sơ mua bán cổ phần?

Căn nguyên đầu tiên dẫn tới cuộc “đại chiến” giữa các cổ đông Công ty Thành Nguyên là việc cổ đông lớn của công ty này - bà Ngô Ngọc Giàu (sở hữu 115.000 cổ phần) bán cho hai người cùng một tài sản trong cùng ngày 13/11/2018 (vừa bán toàn bộ 115.000 cổ phần cho ông Lê Đức Sĩ, vừa bán 80.000 cổ phần cho Công ty Liên Hiệp Việt). Việc chuyển nhượng này đã được bà Giàu ký xác nhận hoàn tất với các bên ngay trong ngày 13/11/2018.

Nhưng thực tế không hẳn vậy. Theo xác minh của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương (thể hiện tại Văn bản số 557/SKHĐT-TTr ngày 17/3/2020 về việc trả lời đơn kiến nghị của Công ty Liên Hiệp Việt), dù cung cấp cho cơ quan chức năng hợp đồng thể hiện việc bà Giàu bán 100% phần vốn góp (115.000 cổ phần) cho ông Lê Đức Sĩ, nhưng cả ông Sĩ và ông Lê Thành Điệu (chồng bà Giàu) chưa cung cấp được chứng từ về việc ông Sĩ đã hoàn tất chuyển tiền mua cổ phần của bà Giàu.

Trong khi đó, tại Văn bản số 43/TL-PC03 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương (trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương), cơ quan công an xác định, sau khi mua bán cổ phần, ngày 15/11/2018, Công ty Thành Nguyên (lúc này do bà Giàu làm đại diện theo pháp luật) ký Giấy chứng nhận phần vốn góp và chứng nhận cổ phần số 01/2018/GCN.CP, chứng nhận Công ty Liên Hiệp Việt sở hữu 160.000 cổ phần, chiếm 80% vốn điều lệ Công ty Thành Nguyên lúc bấy giờ.

Theo cơ quan công an, tính đến ngày 22/7/2019, Công ty Thành Nguyên xác nhận Công ty Liên Hiệp Việt đã thanh toán số tiền hơn 65 tỷ đồng liên quan việc mua bán cổ phần của bà Giàu và ông Điệu và cũng là phần tiền liên quan việc hợp tác liên kết thực hiện Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức.

Căn cứ nội dung trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương xác định, việc chuyển nhượng vốn góp giữa cổ đông Công ty Thành Nguyên và Công ty Liên Hiệp Việt là trực tiếp thỏa thuận giao dịch và tự nguyện.

Như vậy, chứng lý thể hiện có vốn góp thực sự nghiêng về Công ty Liên Hiệp Việt, không hẳn như tố cáo cho rằng, có dấu hiệu giả mạo hồ sơ chuyển nhượng vốn góp, thay đổi người đại diện trong Công ty Thành Nguyên.

Thay đổi nội dung kinh doanh lần 7 và 8: Không trung thực

Lần thay đổi nội dung kinh doanh thứ 7 và thứ 8 của Công ty Thành Nguyên khiến Công ty Liên Hiệp Việt bức xúc và “bùng nổ” vì cho rằng bị tước quyền lợi, sau đó giành quyền kiểm soát Công ty Thành Nguyên, tiến hành thay đổi nội dung kinh doanh lần thứ 9 và thứ 10. Từ đây dẫn tới tố cáo, khiếu kiện của nhóm cổ đông và quản lý cũ của Công ty Thành Nguyên.

Theo xác minh của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương (thể hiện tại Văn bản số 557/SKHĐT-TTr ngày 17/3/2020 về trả lời đơn kiến nghị của Công ty Liên Hiệp Việt), sau khi bà Giàu, ông Điệu bán cổ phần, Công ty Thành Nguyên đã tổ chức đại hội đồng cổ đông 2 lần để ra nghị quyết thay đổi nội dung kinh doanh lần thứ 7 và thứ 8.

Thế nhưng, tại hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh lần thứ 7, bà Giàu vẫn là Chủ tịch HĐQT, sở hữu 115.000 cổ phần, dù trước đó đã bán hết cho ông Sĩ, lại bán cùng tài sản này cho Công ty Liên Hiệp Việt. Còn ông Sĩ, trước đó đã mua hết cổ phần từ bà Giàu, nhưng lại là… khách mời tại Đại hội đồng cổ đông Công ty Thành Nguyên.

Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh lần thứ 8 của Công ty Thành Nguyên thể hiện, ông Sĩ đã là Chủ tịch HĐQT, sở hữu 115.000 cổ phần, nhưng vẫn ghi ông Lê Thành Điệu sở hữu 82.000 cổ phần, chiếm 41% vốn điều lệ, dù trước đó ông Điệu đã bán 80.000 cổ phần cho Công ty Liên Hiệp Việt.

Theo Luật Doanh nghiệp, với việc mua cổ phần từ bà Giàu và ông Điệu, Công ty Liên Hiệp Việt đương nhiên là cổ đông, nhưng ở cả 2 cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ra nghị quyết thay đổi nội dung kinh doanh lần thứ 7 và lần thứ 8, Công ty Liên Hiệp Việt không có trong thành phần tham dự họp. Vậy mà, Đại hội đồng cổ đông Công ty Thành Nguyên vẫn ra nghị quyết thay đổi nội dung kinh doanh. Điều này không đúng quy định pháp lý.

Từ đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương khẳng định, đăng ký kinh doanh lần thứ 7 và lần thứ 8 của Công ty Thành Nguyên là “kê khai không trung thực, không chính xác”.

Vì vậy, ngày 25/3/2020, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt Công ty Thành Nguyên số tiền 12,5 triệu đồng và buộc Công ty Thành Nguyên đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin của doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.

Củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư

Như đã đề cập ở bài trước, sau khi bị Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm, tước quyền quản lý doanh nghiệp, cổ đông và người quản lý cũ của Công ty Thành Nguyên đã gửi đơn lên cơ quan chức năng, tố cáo với cơ quan công an, thậm chí kiện ra tòa.

Từ tháng 6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thủ Dầu Một đã xác minh, điều tra theo đơn của ông Lê Thành Điệu và ông Nguyễn Tấn Tài tố giác ông Đào Gia Phú (Tổng giám đốc Công ty Thành Nguyên) và ông Nguyễn Sơn Tùng (Phó giám đốc Công ty Liên Hiệp Việt), ông Nguyễn Thanh An (Phó trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương) sử dụng con dấu giả hoặc tài liệu giả nhằm thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Thành Nguyên từ ông Nguyễn Tấn Tài sang ông Đào Gia Phú.

Tới ngày 7/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thủ Dầu Một ra thông báo số 245/TB-CSĐT-KTMT về kết quả xử lý đơn tố cáo.

Tại Văn bản số 55/CSĐT-KTMT ngày 28/10/2020 (về việc cung cấp thông tin liên quan việc thụ lý đơn của Công ty Thành Nguyên cho Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thủ Dầu Một cho hay, các ông Điệu, Tài, Sĩ, Thám liên tiếp tố cáo khắp nơi, nhưng nhiều lần được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thủ Dầu Một mời lên cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan tố giác theo quy định pháp luật, thì họ lại không đến làm việc.

Mặt khác, tố giác đó đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thủ Dầu Một thông báo xử lý đơn số 245 ngày 7/8/2020, nên cơ quan này sẽ không tiếp nhận, không thụ lý đơn tố giác của các cá nhân nêu trên, theo quy định pháp luật.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thủ Dầu Một khẳng định: Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung, đăng ký kinh doanh lần thứ 7, cấp cho ông Lê Đức Sĩ; lần thứ 8 cấp cho ông Nguyễn Tấn Tài làm đại diện pháp luật của Công ty Thành Nguyên là “kê khai không trung thực, không chính xác”, dẫn tới bị Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương ra quyết định xử phạt Công ty Thành Nguyên số tiền 12,5 triệu đồng và buộc Công ty Thành Nguyên thay đổi, thông báo lại các thông tin của doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.

Với việc Công ty Thành Nguyên đã ra quyết định thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Nguyễn Tấn Tài sang ông Đào Gia Phú, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các hướng dẫn liên quan, thì việc kê khai hồ sơ thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Nguyễn Tấn Tài sang ông Đào Gia Phú, không cần sử dụng con dấu.

Từ đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thủ Dầu Một kết luận: “Việc ông Lê Thành Điệu, ông Nguyễn Tấn Tài tố giác ông Đào Gia Phú, ông Nguyễn Sơn Tùng là không có căn cứ, nên không có dấu hiệu của tội phạm”.

Đến ngày 27/4/2020, Công ty Thành Nguyên đã bổ sung hồ sơ hợp lệ và đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi lần thứ 9, người đại diện pháp luật là ông Đào Gia Phú (người ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là ông Nguyễn Thanh An).

Như vậy, với xác minh của hàng loạt cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, những lình xình, tố cáo, tố giác tranh chấp Công ty Thành Nguyên làm nhà đầu tư hoang mang, ảnh hưởng tới Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức, đã minh định rõ.

Tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, từ cơ sở trên, các cổ đông của Công ty Thành Nguyên đã tiến hành thay đổi vốn điều lệ, xác định rõ tỷ lệ cổ phần vốn góp của từng thành viên để quyết liệt triển khai Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức nhằm củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.

Chuyển đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương

Liên quan việc ông Đào Gia Phú (Tổng giám đốc Công ty Thành Nguyên) tố cáo với Công an TP.HCM, cho rằng, ông Lê Thành Điệu đã chuyển đi, rút ra số tiền hơn 64 tỷ đồng để sử dụng không rõ hoặc không đúng mục đích, gây thất thoát tài sản, thiệt hại cho Công ty Thành Nguyên, ngày 4/11/2020, tại Văn bản số 2415/PC03-DD1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM chuyển tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Thời điểm rút tiền là lúc Công ty Thành Nguyên đang đăng ký hoạt động tại tỉnh Bình Dương, người đại diện là bà Ngô Ngọc Giàu và chồng là ông Lê Thành Điệu, là chủ tài khoản của Công ty Thành Nguyên. Do đó, Công an TP.HCM chuyển đơn của ông Đào Gia Phú đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Tin bài liên quan