Đến thời điểm này, vướng mắc lớn nhất tại công trình được đánh giá là sẽ làm gia tăng đáng kể sức hút đầu tư cho Quảng Ninh đã được tháo gỡ, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý để địa phương này được sử dụng vốn ngân sách cho Dự án Đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng, thay vì hình thức BT như phương án ban đầu.
Dự án Đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng là một trong hai dự án độc lập do Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh làm chủ đầu tư, thuộc tuyến đường nối TP. Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án có chiều dài khoảng 20 km, được xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe, vận tốc 100 km/giờ, Dự án có tổng mức đầu tư 5.824 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây lắp 3.981 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 197 tỷ đồng và chi phí dự phòng 1.167 tỷ đồng…
Một hạng mục quan trọng khác của tuyến đường là Dự án Xây dựng cầu Bạch Đằng dài 3,054 km, hệ thống đường dẫn và nút giao cuối tuyến, có tổng mức đầu tư 7.388 tỷ đồng. Dự án này đã được tỉnh Quảng Ninh trao cho Tập đoàn SE (Nhật Bản) đầu tư theo hình thức BOT, dự kiến vay vốn ưu đãi từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Cần phải nói thêm rằng, một trong những điều kiện cần để SE đầu tư chính là phải triển khai sớm tuyến đường nối TP. Hạ Long tới cầu Bạch Đằng.
“SE đề nghị tỉnh Quảng Ninh tổ chức khởi công tuyến đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng trong tháng 6 hoặc tháng 7/2014”, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Được biết, ngay sau khi dừng phương án đầu tư Dự án Đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng theo hình thức BT, UBND tỉnh Quảng Ninh đã rốt ráo cân đối ngân sách địa phương để có thể triển khai sớm công trình.
Theo đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết 84/2013/NQ- HĐND ưu tiên dành ít nhất 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho Dự án Đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng. Đồng thời, dành toàn bộ khoản trái phiếu chính quyền địa phương trị giá 800 tỷ đồng và khoản mà Bộ Giao thông - Vận tải đang “nợ” cho dự án trọng điểm này là 1.410 tỷ đồng.
“Với tổng mức đầu tư 5.824 tỷ đồng, các nguồn ngân sách dự kiến cân đối đủ cho việc đầu tư và đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đánh giá.
Hiện tại, công tác chuẩn bị cho việc khởi công những gói thầu xây lắp đầu tiên của Dự án đã được hoàn tất. Dự kiến, lễ khởi công sẽ được tổ chức tại đầu tuyến Km 0+00 (điểm đầu của dự án giao cắt với Quốc lộ 18 tại Km 102+300) tại phường Đại Yên, TP. Hạ Long vào ngày 13/9.
Cần phải nói thêm rằng, TP. Hải Phòng, cũng như tỉnh Quảng Ninh nằm trong cụm đầu mối giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và nằm trên hành lang, một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Riêng Quảng Ninh là khu vực phát triển năng động kinh tế ven biển và kinh tế biển, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao về thế mạnh biên mậu quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái, khai thác khoáng sản và du lịch.
Tuy nhiên, mạng lưới giao thông đối ngoại của hai địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sự phát triển và khả năng thu hút, cạnh tranh. Ngoài Quốc lộ 10, nối Quảng Ninh với các tỉnh phía Nam thông qua TP. Hải Phòng, thì ngoài thông với Hà Nội và Hải Phòng, Quốc lộ 18 hiện đang là trục đường bộ chính liên kết Quảng Ninh với các tỉnh khác trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và nối với cửa khẩu quốc tế Móng Cái để thông thương sang Trung Quốc, dù đã được nâng cấp cải tạo, nhưng mới đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với quy mô 2 làn xe cơ giới và sẽ mãn tải vào năm 2015.
“Đây là công trình giao thông quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối Tam giác Phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phát huy các lợi thế về cửa khẩu, cảng biển, sân bay trong khu vực nên cần đầu tư sớm”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đánh giá.