Nỗi buồn môi giới khi bị mang tiếng “cò"

Nỗi buồn môi giới khi bị mang tiếng “cò"

(ĐTCK) Tại các nước phát triển, nghề môi giới địa ốc có vị trí rất cao, giành cho các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản. Nhưng tại Việt Nam, vì nhiều nguyên nhân, phần lớn người dân vẫn có những định kiến tiêu cực về nghề này.

Nhiều người xem nghề môi giới địa ốc là nghề vô cùng cực khổ và đánh đồng nghề này với "cò", chỉ biết lấy tiền của khách hàng, mà không quan tâm tới giá trị mang lại có tương xứng với mong muốn và số tiền phải bỏ ra của khách hàng hay không.

Thực tế, câu chuyện này không phải không có nguyên cớ của nó. Giám đốc một sàn môi giới có tiếng trên đường Nguyễn Khang mới đây có chia sẻ với phóng viên, môi giới bây giờ được ví như "cò" thì cũng phải, bởi lẽ có đến 80% môi giới hiện tại là không theo trường lớp, không được đào tạo và chỉ là tay ngang sang nghề 1 - 2 năm trở lại đây khi thấy thị trường bất động sản nóng lên.

Các môi giới này rất nhanh nhạy, rất cập nhật tin tức thị trường, tin tức của các dự án, rất giỏi làm thủ tục, giấy tờ, rất tự tin, rất giỏi vòi tiền của khách, nhưng cũng rất nhanh chóng… biến mất ngay sau khi nhận tiền của khách và để khách bơ vơ không biết nên làm gì tiếp.

Ngoài ra, một số trường hợp, do bị áp đặt về chỉ tiêu kinh doanh, nhiều môi giới cũng móc nối với các "cò" bên ngoài để lừa người mua, rồi vì lòng tham, tạo tâm lý "tội gì không thử", đã dần biến tướng thành các “cò đất” thứ thiệt, sẵn sàng làm mọi việc chỉ để bán được hàng cho người mua nhà, mà không hề quan tâm tới những hậu quả để lại đằng sau đó. Cách thức đơn giản nhất là có những giao dịch, người bán không biết được giá thị trường hoặc đang cần bán gấp, nên bị “cò” ép xuống giá rất thấp, sau đó, những người này kê lên bán chênh với người mua hoặc nhờ người quen đóng vai người mua để đặt cọc giữ chỗ xong bán lại giá cao hơn nhiều.

Theo vị giám đốc này, tình trạng này đang ngày càng trở nên phổ biến và điều “tủi” nhất chính là đã làm cho cách nhìn của người dân đối với những người môi giới chân chính còn lại trở nên tiêu cực hơn rất nhiều. Có nhiều lúc, khi khách hàng gọi điện đến, khi nghe đến môi giới thì họ bảo rằng “không làm việc với cò” và tắt máy ngay. Cũng có nhiều trường hợp, khi đi gặp khách hàng, dù trước thời gian hẹn 30 phút, đã cẩn thận gọi điện thoại nhắc lại địa điểm và thời gian, nhưng khi đến nơi anh cũng không thấy khách hàng. Chờ hơn 10 phút nữa, khi anh điện để gọi hỏi tiếp, thì khách hàng mới nói đang có bận việc đột xuất nên không đi được.

Con số 80% mà vị giám đốc này đưa ra có lẽ cần kiểm chứng thêm, nhưng những câu chuyện mà anh nêu ra là những câu chuyện có thật, đang xảy ra thường xuyên trong thực tế và làm méo mó không chỉ quan niệm về nghề môi giới, mà còn méo mó cả thị trường khi thông tin bị các “cò đất” bóp méo vì các tư lợi cá nhân.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, không kể đến những người mua bất động sản để kinh doanh, đa phần những người đi mua nhà đều mong muốn sở hữu mái ấm để an cư, lạc nghiệp. Họ phải tích cóp và vay vốn rất lâu và dành tất cả những gì mình có cho căn nhà. Vì thế, những người môi giới bất động sản không khác gì là “thiên sứ” mang đến tổ ấm an cư cho các gia đình.

Với vai trò đó, yếu tố đạo đức nghề nghiệp của nghề môi giới rất cần được cân nhắc. Hiện trạng căn nhà ra sao, khu vực xung quanh thế nào, tiến độ hoàn thành dự án, những ưu đãi nào nên và không nên tư vấn với người mua nhà hơn ai hết, nhân viên môi giới là người biết rõ nhất.

Do đó, nói dối để bán được nhà hay thành thật chia sẻ để người mua nhận định được hết tình hình và có quyết định đầu tư cho tổ ấm của mình hay không đã trở thành vấn đề đạo đức nghề nghiệp và cần thiết phải sớm quy chuẩn hóa để có cách thức giám sát và hiệu quả hơn.

Theo ông Đính, trong thời gian tới, để chuẩn hóa hơn nghiệp vụ môi giới bất động sản, ngoài việc các cơ quan quản lý cần tiếp tục siết chặt hoạt động giám sát và nâng cao việc kiểm soát thông qua công tác đào tạo và thi sát hạch chứng chỉ hành nghề môi giới, thì bản thân mỗi sàn giao dịch, mỗi môi giới viên cần ý thức hơn về trách nhiệm, đạo đức với nghề, để giúp nghề môi giới trở thành một nghề được tôn trọng và phát triển đúng với nhu cầu thiết yếu của xã hội, tránh bị ác cảm vì một số doanh nghiệp làm ăn chộp giật.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan