Mở dư địa
Sau hơn một năm hoàn thiện, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Dự thảo này đã được cập nhật trên cơ sở các phản biện khoa học của Hội Khoa học và công nghệ hàng không, Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không, theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Cần phải nói thêm rằng, Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009.
Sau 7 năm triển khai, quy mô thị trường hàng không dù có bước tiến dài, nhưng vẫn chỉ đứng thứ 5 trong ASEAN, chưa thu hút được nhiều hãng hàng không lớn mở đường bay thẳng liên lục địa đến Việt Nam; kết cấu hạ tầng một số cảng hàng không, sân bay lớn ở tình trạng quá tải…
“Việc điều chỉnh Quy hoạch là cần thiết, tạo khung pháp lý để tiếp tục phát triển GTVT hàng không trong thời gian tới, bảo đảm bền vững, an toàn”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, đến 2030, thị trường hàng không Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển, với việc nâng cấp 3 trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa ngang tầm ASEAN tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và hình thành thêm 3 cụm logistic là Vân Đồn, Chu Lai, Long Thành.
Bộ GTVT dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm trong giai đoạn đến năm 2020, và 8%/năm giai đoạn 2020 - 2030; hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn đến 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020 - 2030; sản lượng vận chuyển đạt 64 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030.
Tốc độ tăng trưởng dự báo này cao hơn từ 2 - 4% so với Quy hoạch và cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của hàng không thế giới.
Nhiều chuyên gia đánh giá, mức dự báo của Bộ GTVT là chưa hợp lý, khi cả Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Boeing và Airbus đều cho rằng, tỷ lệ co giãn giữa tăng trưởng vận tải hàng không và GDP của một quốc gia chỉ khoảng 1,6 lần.
Về vấn đề này, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam giải thích: “Thực tế, trong giai đoạn 2010 - 2017, tại Việt Nam, hệ số này dao động từ 1,5 đến 4 lần, trong đó phần lớn là 2 - 2,5 lần, nên việc dự báo tốc độ tăng trưởng như vậy là phù hợp”.
Rộng cửa cho hãng bay mới
Liên quan đến việc phát triển đội tàu bay, theo đề xuất của Bộ GTVT, số lượng tàu bay khai thác của các hãng hàng không đến năm 2020 là trên 220 chiếc và đến năm 2030 là 400 chiếc, tăng từ 70 - 100 chiếc so với Quy hoạch.
Việc nới quy mô đội bay là cần thiết, bởi theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, đến hết tháng 1/2018, tổng số tàu bay của các hãng hàng không trong nước là 173 chiếc, vượt xa lượng tàu bay được xác định tại Quy hoạch.
Để đạt được mục tiêu này, tổng kinh phíđầu tư dự kiến ước khoảng 350.500 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2020 là 84.400 tỷ đồng.
Theo Điều 30 và 31, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, một trong những yêu cầu để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành.
Đây là lý do khiến nhiều hãng hàng không như Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Air), Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airlines)… chưa thể lấy được Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không để thực hiện các chuyến bay thương mại, dù đã hội đủ các tiêu chí về vốn và năng lực bay.
Trước đó, vào tháng 4/2017, Chính phủ đã phát đi thông báo, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh cho Vietstar Air sẽ chỉ được xem xét sau khi hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng Phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng phê duyệt.
“Để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Trịnh Phương, Tổng giám đốc Vietstar Air cho biết, nếu Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ thông qua như đề xuất của Bộ GTVT, hãng hàng không này sẽ cân nhắc việc điều chỉnh sân bay để tìm kiếm cơ hội bay thương mại sớm hơn, giống như trường hợp của Bamboo Airlines.