Diễn biến suy giảm của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây, nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ, khiến không ít chuyên gia kinh tế nhớ lại sự kiện bong bóng Dotcom diễn ra 25 năm trước. Giống như hiện tượng tâm lý Dejavu, giới chuyên gia mô tả về sự tương đồng giữa bong bóng cổ phiếu công nghệ hiện tại và quá khứ như sau: một công nghệ mới mang tính cách mạng xuất hiện và thu hút các nhà đầu tư bởi những khả năng tưởng chừng vô hạn. Từ đó, tâm lý thị trường trở nên hứng khởi rồi tạo ra một đợt tăng giá mạnh trên thị trường chứng khoán. Cuối cùng, mọi thứ trở nên quá nóng, giá cổ phiếu trở nên phi lý và sụp đổ nhanh chóng.
Cả hai thời kỳ đều chứng kiến sự xuất hiện của một công nghệ mang tính cách mạng. Nếu như Internet từng được coi là “đại lộ thông tin”, thì AI đang được ca ngợi là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Sự phấn khích xung quanh những khả năng tưởng chừng vô hạn của công nghệ mới đã thúc đẩy các nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường.
Trước sự phấn khích về AI, từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2025, chỉ số S&P 500 tăng 72%, tạo thêm 22.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường. Tuy nhiên, dấu hiệu bất ổn sau đó xuất hiện khi chỉ số Nasdaq 100 giảm hơn 10% từ đỉnh và S&P 500 cũng đã có thời điểm điều chỉnh 10%. Điều này gợi lên những ký ức đáng sợ từ một phần tư thế kỷ trước.
Vào tháng 3/2000, sau 5 năm tăng điểm, S&P 500 “quay xe” và phải chờ đến 7 năm sau mới quay lại đỉnh cũ, còn Nasdaq 100 - chỉ số tập trung vào công nghệ - phải mất hơn 15 năm mới lấy lại được đỉnh cũ.
Dù có những điểm tương đồng đáng báo động, bối cảnh hiện tại vẫn có những khác biệt cơ bản so với thời kỳ Dotcom, giúp hạn chế rủi ro sụp đổ thị trường.
Về cơ bản, các công ty tham gia vào đợt bùng nổ AI rất khác so với các công ty thống trị thời kỳ Dotcom. Bong bóng Internet chủ yếu được xây dựng trên các doanh nghiệp khởi nghiệp không có lợi nhuận, một số đã tận dụng cơn sốt bằng cách thêm “.com” vào tên để có thể bán cổ phiếu ra công chúng. Ngược lại, sự phấn khích xung quanh AI tập trung vào một nhóm nhỏ các công ty công nghệ nằm trong số các tập đoàn có lợi nhuận cao nhất và ổn định về tài chính nhất trên thế giới như Alphabet Inc., Amazon.com Inc., Apple Inc., Meta Platforms Inc., Microsoft Corp., Nvidia Corp.
Mặt khác, đợt bùng nổ Dotcom còn thiên về các khoản đầu cơ vào các công ty mới nổi không có lợi nhuận. Trong khi đó, chỉ tính riêng năm 2025, Alphabet, Amazon, Meta và Microsoft dự kiến sẽ chi tổng cộng 300 tỷ USD để phát triển AI, mà vẫn dự kiến tạo ra dòng tiền khoảng 234 tỷ USD.
Tỷ phú đầu tư Ken Fisher đã chỉ ra sự khác biệt quan trọng này: Điều làm cho bong bóng trở thành bong bóng là tỷ lệ đốt tiền âm. Các công ty năm 2000 dễ dàng được chấp nhận là tốt vì xuất hiện tâm lý thị trường “lần này khác”. Ngày nay, hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu đều có lợi nhuận mạnh mẽ và dòng tiền dồi dào.
Không chỉ vậy, mức định giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại cũng hợp lý hơn nhiều so với trước đây. Năm 1999, chỉ số Nasdaq Composite có P/E lên tới 90 lần. Hiện tại, con số này vào khoảng 35 lần và các nhà đầu tư vẫn đánh giá cao các số liệu tài chính truyền thống như lợi nhuận và dòng tiền, không như thời Dotcom - các khái niệm mơ hồ như “số lượt nhấp chuột” hay “lượng người xem” được sử dụng để định giá công ty công nghệ.
Ngoài ra, hiệu quả thực tế của công nghệ mới cũng có sự khác biệt rõ ràng. Nếu như việc chấp nhận Internet được diễn ra một cách dần dần, thì AI được áp dụng nhanh chóng hơn nhiều. Các ứng dụng thực tế và tạo ra giá trị của AI đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như y tế, tài chính, sản xuất, dịch vụ khách hàng...