Thông báo của Ủy ban Nobel ngày 14/10 cho biết giải Nobel Kinh tế năm 2019 được trao cho Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer “vì cách tiếp cận mang tính thử nghiệm của họ đối với việc giảm nghèo toàn cầu”.
3 chủ nhân của giải thưởng Nobel năm nay được vinh danh vì những đóng góp của họ trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói trong lĩnh vực kinh tế phát triển.
Esther Duflo là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử giành giải Nobel Kinh tế. Duflo cho biết bà hy vọng có thể đại diện cho phái nữ trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời mong muốn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực này.
Năm 2018, giải Nobel Kinh tế được trao cho hai cá nhân là William D. Nordhaus tại Đại học Yalem (Mỹ) và Paul M. Romer tại Trường Kinh doanh Stern New York (Mỹ) với công trình nghiên cứu kết hợp biến đổi khí hậu và sáng tạo công nghệ vào phân tích kinh tế vĩ mô.
Trước đó, chủ nhân Nobel Kinh tế năm 2017 là Giáo sư Richard H. Thaler tại Đại học Chicago. Công trình nghiên cứu của Giáo sư Thaler đã chỉ ra cách thức tâm lý học ảnh hưởng tới kinh tế học, từ đó giải thích cho các hành vi trong kinh tế học.
Các giải Nobel do Alfred Nobel, một doanh nhân và là nhà phát minh người Thụy Điển, trong đó nổi bật nhất là phát minh về thuốc nổ, sáng lập. Giải Nobel đầu tiên được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1901, 5 năm sau khi ông Nobel qua đời.
Ban đầu giải thưởng chỉ có 5 hạng mục bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Mãi tới năm 1968, ngân hàng trung ương Thụy Điển mới có sáng kiến bổ sung thêm giải thưởng Nobel Kinh tế cho các nhà kinh tế.
Theo nguyện vọng của Alfred Nobel, giải Nobel Hòa Bình do Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy sáng lập quyết định. Trong khi đó, các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển quyết định.
Hiện tại, mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 9 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1 triệu USD).