Theo quy định hiện hành, các chủ nợ (ngân hàng, DN) phải trích lập dự phòng đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán từ trên 3 tháng và nợ phải thu chưa quá hạn, nhưng có thể không đòi được do khách nợ không có khả năng thanh toán. Đối với những khoản nợ quá hạn từ 3 năm trở lên coi như không có khả năng thu hồi, chủ nợ phải sử dụng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi, quỹ dự phòng tài chính để bù đắp, phần chênh lệch thiếu hạch toán vào chi phí quản lý của DN. Ngoài ra, chủ nợ còn tiếp tục phần theo dõi riêng trên sổ kế toán và ngoại bảng cân đối kế toán trong thời hạn tối thiểu là 5 năm và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ.
Điều đó cho thấy, các khoản nợ xấu ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các chủ nợ, họ sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiền của để đôn đốc thu hồi nợ. Nhiều trường hợp, việc thu nợ trực tiếp từ khách nợ hầu như không thể do DN không còn nguồn trả nợ, nếu thực hiện kê biên và bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ thì đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động của DN và việc này cũng không hề đơn giản nếu bên có tài sản đảm bảo không hợp tác, hoặc tẩu tán tài sản... Trường hợp không có tài sản đảm bảo thì chủ nợ phải nộp đơn ra toà yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN khách nợ để thu hồi vốn từ thanh lý tài sản. Áp dụng biện pháp phá sản DN khách nợ cũng chỉ là "bất đắc dĩ" vì quy trình, thủ tục phá sản rất phức tạp, khó khăn và mất thời gian, có nhiều trường hợp đến 5 năm chưa thực hiện được.
Vậy đâu là giải pháp khả thi trong việc xử lý nợ xấu? Hiện đang có một số hướng đi cơ bản như sau:
Thứ nhất, chủ nợ tự tổ chức quản lý hoặc bàn giao khoản nợ xấu cho công ty quản lý nợ trực thuộc để tiếp tục theo dõi các khoản nợ nhằm thực hiện thu hồi nợ thông qua việc xử lý các tài sản đảm bảo khoản nợ, khai thác tài sản đảm bảo, tiếp tục theo đuổi các vụ kiện để thu hồi một phần nợ từ thanh lý tài sản của DN phá sản... Đây là hướng đi được một số NHTM thực hiện. Tuy nhiên, thực hiện giải pháp này, các chủ nợ vẫn mất nhiều thời gian và tiền bạc để thu hồi nợ xấu, vẫn phải duy trì một bộ máy, bộ phận riêng để quản lý nợ xấu, cho nên không khả thi.
Thứ hai, là biện pháp thu nợ có chiết khấu. Đây là hình thức giảm giá trị khoản nợ phải trả cho DN khách nợ, giá trị triết khấu do chủ nợ và DN thoả thuận nhưng theo hướng có lợi cho DN nhằm thúc đẩy khách nợ thanh toán dứt điểm khoản nợ, chủ nợ tuy chịu thiệt một chút nhưng cũng sớm thu hồi được một phần vốn và cắt bỏ được "cục nợ" dây dưa này.
Thứ ba, bán nợ cho các tổ chức có chức năng mua - bán nợ chuyên nghiệp, đây là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới, nhằm cải thiện tình hình tài chính. Hiện nay, mới chỉ có Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính đang thực hiện nghiệp vụ này. Tính đến nay, DATC đã trực tiếp giúp xử lý nợ xấu cho các NHTM nhà nước, NHTM cổ phần và các chủ nợ khác. DATC đã trở thành chủ nợ của gần 80 DN với giá trị sổ sách khoản nợ xấu đã mua trên 5.000 tỷ đồng. Việc xử lý các khoản nợ đã mua này được thực hiện thông qua nhiều biện pháp khác nhau tùy thực tế cụ thể tại DN khách nợ và đánh giá của DATC, như bán tài sản đảm bảo nợ, khai thác cho thuê tài sản, sử dụng tài sản đảm bảo để góp vốn với doanh nghiệp khác; thu nợ có chiết khấu hoặc bán nợ cho tổ chức kinh doanh nợ khác, xử lý tài chính để cơ cấu lại nợ và hoạt động kinh doanh của DN…
Một hướng đi mới trong việc xử lý nợ xấu là chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cấu trúc DN, đây là hoạt động khá mới tại Việt Nam và cũng chỉ có DATC đã thực hiện thành công hoạt động này. Sau khi mua nợ từ các chủ nợ, DATC đàm phán với chủ sở hữu, cổ đông khác của DN để chuyển nợ thành vốn góp (riêng đối với DNNN thực hiện cổ phần hoá thì DATC phải tham gia đấu giá cổ phần theo quy định). Sau khi trở thành cổ đông, DATC thực hiện các giải pháp tái cấu trúc DN như xoá một phần nợ và lãi, hoãn trả nợ, thay đổi thời gian trả nợ, hỗ trợ về thị trường, quản trị, hỗ trợ về tài chính như cho vay, bảo lãnh… nhằm phục hồi từ DN kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán thành DN hoạt động kinh doanh có lãi, chính hiệu quả hoạt động của DN sẽ tạo nguồn trả nợ cho DATC. Các DN đã được DATC tái cấu trúc thành công đến nay đều hoạt động kinh doanh có lãi, đã trả hết nợ ngân sách, nợ bảo hiểm xã hội, trả gần hết nợ cho DATC, đặc biệt một số đơn vị đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn khoảng 30%.
Xử lý nợ xấu thông qua mua - bán nợ hoặc mua - bán nợ gắn với tái cấu trúc DN khách nợ là hoạt động kinh doanh rủi ro, nhưng thực tế cho thấy có thể xây dựng các tiêu chí để kiểm soát, quản trị các rủi ro này. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiệu quả kinh tế phải được đặt lên hàng đầu, mọi phương án kinh doanh mua - bán nợ và tái cấu trúc DN phải được nghiên cứu kỹ để đảm bảo đạt được hiệu quả cao nhất, không để xảy ra tình trạng DN tiếp tục hoạt động không hiệu quả sau khi được cơ cấu lại.
Có thể thấy, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cấu trúc DN là một hướng đi mới trong việc xử lý triệt để nợ xấu và góp phần làm lành mạnh hoá tình hình tài chính của nền kinh tế nói chung và của chủ nợ nói riêng.