Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đạt 212,1% vào cuối tháng 6/2024

Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đạt 212,1% vào cuối tháng 6/2024

Nợ xấu vẫn là thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Nợ xấu của phần lớn các ngân hàng tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024. Một số ngân hàng ghi nhận mức tăng nợ xấu tới hai con số. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đều theo chiều hướng đi xuống trong nửa đầu năm.

Nợ xấu đi lên

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, tính đến cuối quý II/2024, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022.

Còn theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024 của 29 ngân hàng, tổng nợ xấu tính đến cuối quý II/2024 là 271.421 tỷ đồng, tăng gần 21% so với đầu năm nay. Duy chỉ có hai ngân hàng có chất lượng nợ vay cải thiện là SHB (nợ xấu giảm 3%) và PGBank (nợ xấu giảm 5%).

Thống kê báo cáo tài chính quý II/2024 của 29 ngân hàng, tổng nợ xấu tính đến cuối quý II/2024 là 271.421 tỷ đồng, tăng gần 21% so với đầu năm nay.

Chia sẻ tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu tăng là một vấn đề lớn cần quan tâm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên tới gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 6,9%.

Theo Phó thống đốc, nhìn chung, đó là những khoản nợ sau 2 năm đại dịch Covid-19 và năm 2023 là do yếu tố khách quan khó khăn của nền kinh tế, chứ không phải sự yếu kém của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý tích cực hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập để đảm bảo an toàn cho ngân hàng.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN (về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ) đến hết năm 2024 nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, nhưng việc nợ xấu của hệ thống đến cuối quý II tiếp tục tăng so với đầu năm là cảnh báo sớm về rủi ro của hệ thống ngân hàng và các bên liên quan cần phải quyết liệt, tháo gỡ đồng bộ trong việc xử lý nợ xấu.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, không thể tính chính xác nợ xấu thực tế hiện nay tại các ngân hàng nhưng chắc chắn cao hơn con số công bố và khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực, nợ xấu sẽ tăng cao.

Nhận định được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra, nợ xấu tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024 dù hoạt động cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn diễn ra mạnh mẽ. Xét về số tuyệt đối, VDSC ước tính nợ xấu nội bảng tăng thêm khoảng 75.900 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Đáng chú ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 06/2024 và Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước tăng khá mạnh, với tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023, lên 230.400 tỷ đồng. Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt tính đến cuối tháng 6/2024. Nợ xấu trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024.

Các chuyên gia SSI cho rằng, áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 khi đã bị trì hoãn ghi nhận và nền kinh tế phục hồi chậm. Hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2 - 3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết, xóa các khoản nợ xấu.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, dù ngân hàng đã nỗ lực nhưng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn kéo dài, nợ xấu vẫn gia tăng. Theo TS. Hùng, việc Ngân hàng Nhà nước gia hạn Thông tư 02 đến hết năm 2024 tạo điều kiện cho khách hàng tháo gỡ khó khăn, ngân hàng cũng có cơ hội thu hồi nợ, song nợ xấu vẫn có nguy cơ tăng nhanh khi thị trường bất động sản chưa hồi phục…

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm

Thực tế cho thấy, tốc độ giảm của nợ xấu tùy thuộc vào diễn biến của thị trường bất động sản... Nếu thị trường bất động sản ấm lên khả năng sẽ tác động tích cực đến việc xử lý tài sản đảm bảo và kéo nợ xấu giảm. Tuy vậy, đánh giá được đưa ra từ giới phân tích cho rằng, thị trường bất động sản khó sớm ấm lên khi tăng trưởng tín dụng ngân hàng còn khá chậm.

Một giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đưa ra đánh giá, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đang ở mức khá cao và có sự phân hoá giữa các ngân hàng, nhưng điều đáng nói là trong khi nợ xấu của ngân hàng có xu hướng đi lên thì hầu hết nhà băng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối quý II giảm so với đầu năm.

Cụ thể, thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) tại phần lớn các ngân hàng đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. Tính chung toàn ngành ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 14,2 điểm phần trăm, từ mức 98,9% cuối năm ngoái xuống 84,7% vào cuối quý II/2024. Theo số liệu thống kê, có 23/29 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong 6 tháng qua.

Hiện Vietcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đạt 212,1%, nhưng giảm thêm 18,2 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái. Trước đó, năm 2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đạt mốc 300%. Tuy có sụt giảm, song tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank vẫn đang gấp 2,5 lần trung bình ngành.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại BIDV và Agribank lần lượt đạt 132,3% và 116,1%, giảm 48,7 điểm phần trăm và 16,3 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.

Trong nhóm Big 4, VietinBank là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm sâu nhất, từ 167,2% xuống còn 113,8%, do số dư nợ xấu của Ngân hàng đã tăng hơn 48% trong 6 tháng đầu năm nay. Trước đó, vào cuối năm 2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này từng ở mức 188%.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của MB đến cuối quý II/2024 giảm 15,2 điểm phần trăm, xuống 101,7%; ACB giảm 13,4 điểm phần trăm, còn 91,2%; Techcombank giảm 1 điểm phần trăm, về 101,1%; SeABank giảm 8,8 điểm phần trăm, xuống 76,7%. Ngược lại, ở một số nhà băng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng, gồm SHB, KienlongBank, Sacombank, TPBank, MSB và PGBank, dù mức tăng không quá nhiều trong nửa đầu 2024.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của MB đến cuối quý II/2024 giảm 15,2 điểm phần trăm, xuống 101,7%; ACB giảm 13,4 điểm phần trăm, còn 91,2%; Techcombank giảm 1 điểm phần trăm, về 101,1%; SeABank giảm 8,8 điểm phần trăm, xuống 76,7%.

PSG. TS Nguyễn Hữu Huân nhận định, rủi ro khó tránh với ngành ngân hàng nếu nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ dự phòng giảm.

Cũng theo ông Huân, lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay khó có thể tăng như kỳ vọng, bởi lợi nhuận của ngành này chủ yếu đến từ mảng tín dụng, nhưng tín dụng tăng cũng kéo theo xu hướng nợ xấu dần đi lên. Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ quay đầu giảm nhanh, cả khi Thông tư 02 hết hiệu lực, hay nói cách khác có tỷ lệ thuận với nhau. Nhưng hiện nền kinh tế vẫn khó khăn và không ít doanh nghiệp chưa thoát lỗ, nợ xấu gia tăng.

Còn theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Tin bài liên quan