Nợ xấu vẫn là nỗi lo thường trực

Nợ xấu vẫn là nỗi lo thường trực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù Thông tư 02/2023/TT-NHNN đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ gia hạn thêm 6 tháng, song các ngân hàng vẫn lo ngại nợ xấu gia tăng và thực tế nợ xấu có xu hướng nhích lên trong quý I/2024.

Thở phào…

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng cuối tháng 4/2023, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Theo NHNN, đến 31/12/2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng.

Việc đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay, giảm chi phí lãi vay để duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh, mà còn giúp các nhà băng giảm áp lực nợ xấu tăng. Theo lãnh đạo các nhà băng, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, tín dụng tăng chậm trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nếu Thông tư 02 hết hạn vào 30/6/2024 sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các doanh nghiệp, trong khi việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn. Do đó, các ngân hàng mong muốn và đề xuất được kéo dài thời hiệu Thông tư 02.

Sau khi xem xét đề xuất của các ngân hàng và đánh giá tình hình, bối cảnh kinh tế, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng và doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh khơi thông dòng chảy tín dụng, NHNN đã cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn theo Thông tư 02 thêm 6 tháng, tức là đến hết năm 2024.

Lý giải lý do chỉ kéo dài Thông tư 02 thêm 6 tháng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa 2 vấn đề là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt chỉ kéo dài thêm 6 tháng.

Theo các chuyên gia, Thông tư 02 được gia hạn thêm thời gian sẽ tạo điều kiện không chỉ cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, mà còn giúp ngân hàng được “che” bớt nợ xấu. Việc này có thể có lợi trước mắt cho người đi vay và cả ngân hàng, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn khi nợ xấu (nợ nhóm 3-5) không được thể hiện một cách chính xác. Với quy định này thì những con số tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ thấp hơn thực tế.

VIS Rating nhận định, tốc độ cơ cấu lại khoản vay (tương đương 1,2% tổng dư nợ nền kinh tế) được kỳ vọng sẽ ổn định, trong khi rủi ro tín dụng đến từ nhóm ngành bất động sản sẽ giảm bớt khi các vấn đề về pháp lý dự án dần được tháo gỡ và tiếp cận được nguồn vốn vay.

Với các chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy nợ vay cao, dòng tiền kinh doanh hồi phục chậm và có dự án đang gặp vướng mắc pháp lý hoặc các dự án mang tính đầu cơ, theo VIS Rating, sẽ tiếp tục là rủi ro chính đối với chất lượng tài sản của ngành ngân hàng, nhưng bộ đệm rủi ro vẫn sẽ ổn định khi khả năng tạo vốn nội bộ cải thiện và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này dự báo, tỷ lệ an toàn vốn của ngành ngân hàng vẫn sẽ ở mức thấp, khoảng 11 - 12% trong năm 2024. Trong đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng tư nhân thấp hơn trung bình ngành do phải mất nhiều thời gian hơn để cải thiện tỷ lệ dự phòng sau khi chất lượng tài sản sụt giảm mạnh vào năm 2023.

Cũng theo VIS Rating, tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ chậm lại trong năm nay nhờ khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện khi điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn và lãi suất thấp. VIS Rating kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành sẽ giảm xuống 1,7 - 1,8% trong năm 2024 từ mức đỉnh 5 năm là 1,9% ghi nhận vào cuối năm 2023.

… nhưng nỗi lo luôn thường trực

Dù Thông tư 02 chưa hết hiệu lực, nhưng nỗi lo về nợ xấu luôn thường trực. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, khi Thông tư 02 hết hiệu lực, tình hình sẽ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh bên ngoài, cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng của mỗi doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không phục hồi, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên sau đó, ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp và ngân hàng, còn ngược lại nợ xấu sẽ được kiểm soát.

Không chỉ đợi tới khi Thông tư 02 hết hiệu lực, mà nỗi lo nợ xấu đã “gõ cửa” nhiều ngân hàng ngay trong quý đầu năm 2024.

Khi Thông tư 02 hết hiệu lực, tình hình sẽ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh bên ngoài, cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng của mỗi doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không phục hồi, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên sau đó, ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp và ngân hàng, còn ngược lại nợ xấu sẽ được kiểm soát.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Chẳng hạn, tính đến cuối quý I/2024, nợ xấu của Vietcombank tăng từ 0,99% lên 1,22%. Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này cam kết, nợ xấu năm nay sẽ kiểm soát dưới mức 1,5%. Hay một ngân hàng khác trong nhóm “Big 4” là VietinBank cũng dành ra hơn 8.049 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý đầu năm, tăng đến 20% so với cùng kỳ.

Với khối ngân hàng tư nhân, tỷ lệ nợ xấu của VIB tăng từ 2,2% hồi đầu năm lên khoảng 2,4% vào cuối quý I/2024. Ngân hàng này trích lập dự phòng rủi ro lên tới gần 950 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải việc tăng trích lập dự phòng rủi ro, ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính VIB cho biết, do yếu tố thời vụ và Ngân hàng cố gắng đưa nợ xấu về dưới 2% vào cuối năm nay. Tỷ lệ nợ cơ cấu của VIB xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,4% tổng dư nợ. Năm ngoái, Ngân hàng trích lập dự phòng 4.800 tỷ đồng, sử dụng 3.600 tỷ đồng để xử lý rủi ro.

Tương tự, tổng nợ xấu tính đến cuối quý I/2024 của Eximbank là 4.203 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới chuẩn tăng 85%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,65% đầu năm lên 2,86%. Trong quý I/2024, Eximbank cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 282 tỷ đồng, gấp 3 cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng trong quý I/2024 giảm 24%, xuống còn hơn 661 tỷ đồng.

Một trường hợp khác là LPBank cũng có số dư nợ xấu tăng từ 3.689 tỷ đồng cuối năm 2023 lên 4.267 tỷ đồng vào cuối quý I/2024, chủ yếu do có thêm nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Trong khi đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu của LPBank theo đó tăng từ 1,32% vào cuối năm 2023 lên 1,37%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, nếu không tính đến 5.478 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS, tính đến 30/3/2024, tổng nợ xấu của ACB là 7.348 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng nhẹ từ mức 1,22% đầu năm lên 1,47%. ACB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý đầu năm nay khi dành ra đến 512 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ.

Tuy nhiên, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, chất lượng nợ của Ngân hàng đang kiểm soát tốt. Mục tiêu của ACB là cố gắng duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp hơn trung bình ngành, nhưng việc kiểm soát nợ xấu có dưới 1% hay không tùy thuộc vào điều kiện thị trường, định hướng của ACB là dưới 2%.

Lãnh đạo ACB cũng cho biết, nợ nhóm 2 trở lên có thể chịu áp lực nếu khách hàng ở ngân hàng khác bị chuyển nhóm thì ACB cũng phải chuyển nhóm nợ. Ngân hàng có những biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn, song với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi các khoản vay ngân hàng khác thì sẽ đề nghị khách hàng đó thanh lý các khoản vay tại ACB.

Các chuyên gia SSI cho rằng, áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tăng trong năm 2024 khi nền kinh tế phục hồi chậm. SSI dự báo, hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu đang bị trì hoãn. Theo SSI, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn như ACB, Vietcombank, VietinBank, BIDV... sẽ hồi phục sớm hơn so với các ngân hàng còn lại.

Tin bài liên quan