Nợ xấu và những cuộc truy đòi

Nợ xấu và những cuộc truy đòi

(ĐTCK) Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, khi các doanh nghiệp vật lộn tìm đường sống, các ngân hàng cũng khốn khổ vì những khoản nợ đã quá hạn, những khoản nợ được xếp là nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi. Và nhiều câu chuyện không muốn xảy ra đã xảy ra.

1 Tháng 12/2013, Chi cục thi hành án Thị xã Dĩ An tiến hành cưỡng chế thi hành án với kho cà phê của Công ty TNHH Trường Ngân tại khu phố Chiêu Riêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để thi hành án cho Ngân hàng Phương Đông OCB theo Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự của TAND quận 4 (TP. HCM).

Việc này ngay lập tức đã khiến 6 ngân hàng còn lại cũng cho Trường Ngân vay phản ứng. MB, Techcombank, VIB, Agribank, MSB, Vietinbank lập tức cử người và cho xe xuống “canh” kho hàng.

Vụ việc thậm chí trở nên bi hài hơn thế khi một khoang (không bị cưỡng chế) trong kho hàng vốn có ổ khóa có niêm phong do bảo vệ của MB “canh giữ” nhưng qua một đêm xuất hiện thêm một ổ khóa khác treo lủng lẳng. Mâu thuẫn leo thang khi MB muốn cưa ổ khóa mới xuất hiện này. Các ngân hàng đều căng thẳng lên kế hoạch đề phòng có ngân hàng muốn “rút hàng” đồng thời liên tục cập nhật tình hình dưới kho hàng về hội sở.

Điều đáng nói là mặc dù số hàng mà Trường Ngân thế chấp cho riêng OCB là hơn 3.000 tấn cà phê xô nhưng thực tế cưỡng chế cho thấy khoang hàng chỉ có khoảng 700 tấn cà phê. Như vậy, khoản tiền 600 tỷ đồng mà 7 ngân hàng cho Trường Ngân vay dù là đạt được phương thức thỏa thuận chung về phân chia tài sản bảo đảm thì cũng chẳng hy vọng vãn hồi được bao nhiêu.

Nhưng đây chẳng phải vụ lùm xùm về kho hàng đình đám duy nhất. Thị trường đã từng chứng kiến không ít lần các ngân hàng cho xe, người đến bao vây, canh gác kho hàng mà đáng buồn là khi mở ra kho hàng trống rỗng, chỉ còn chỏng chơ vài thanh sắt, thép hoặc inox!

2 Thời “cổ” với “chứng” còn là hàng “hot”, các ngân hàng sẵn lòng cho doanh nghiệp vay với tài sản cầm cố là chứng khoán. Nhưng khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ thì khoản cầm cố bằng cổ phiếu thành “giấy lộn” bởi mất hết giá trị, nợ coi như mất trắng dù Tòa án có tuyên về phần trách nhiệm bồi thường dân sự.

Điển hình của câu chuyện này thuộc về DVD với vụ án Lê Văn Dũng, hai ngân hàng “nạn nhân” thời đó là Tiênphong Bank (nay đã thay đổi bộ máy và đổi tên là TPBank) và ABBank.

Lê Văn Dũng và các đồng phạm bị cáo buộc đã làm giả các chữ ký, tài liệu cần thiết trong hồ sơ vay vốn từ ABBank. ABBank đã giải ngân 61 tỷ đồng dựa trên hồ sơ bị làm giả. Tương tự, các bị cáo đã làm giả các hợp đồng mua bán, xuất khống hóa đơn GTGT, giả chữ ký của đối tác… để hợp thức hồ sơ vay vốn từ Tieenphong Bank để nhận được khoản giải ngân 83,5 tỷ đồng.

Việc vay vốn này diễn ra từ năm 2010 và ở góc độ nào đó, với ngân hàng, vụ việc đã khép lại bởi tài sản nào có thể xử lý, phần nợ nào có thể thu hồi được thì ngân hàng cũng đã làm rồi. Cuối cùng, phiên tòa chỉ là xem xét hành vi và mức độ phạm tội của các bị cáo.

Thế nhưng, liệu còn bao nhiêu vụ việc tương tự như thế nữa?

Nhìn lại những vụ việc đã và đang diễn ra đó, điều gì dẫn ngân hàng đến cảnh trơ mắt nhìn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mất trắng? Có phải chính ngân hàng vô thức “góp tay” hình thành đám nợ xấu thực sự là rất xấu đó?

3 Tháng 3/2014, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm một vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Khởi Minh. Ngân hàng đã giải ngân 12,5 tỷ đồng cho Công ty này với tài sản thế chấp là nhà đất ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội).

Vụ tranh chấp thu hút sự chú ý của dư luận bởi ngân hàng đã “nhầm” tài sản bảo đảm, thay vì đến định giá tại khu nhà cấp 4 cho sinh viên thuê thì lại sang định giá một ngôi nhà 5 tầng, mặt tiền 6m, cho thuê làm nhà nghỉ với giá 30 triệu đồng/tháng!

Kết quả là bản án sơ thẩm buộc bị đơn phải trả nợ cho ngân hàng nhưng phần về tài sản lại bị tuyên vô hiệu. Chiếc phao cứu sinh mang tên tài sản đảm bảo đang rời xa tầm với BIDC!

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng cho rằng những vụ việc “nhầm” lẫn như thế này không hiếm nếu không muốn nói là phổ biến, hầu hết rơi vào trường hợp khách hàng cố tình chỉ “nhầm” cho ngân hàng khi đến thẩm định.

4 Nhìn lại các phiên tòa xử công khai thì phải nói rằng khách hàng gian dối nhiều, nhưng nhưng viên ngân hàng bỏ qua quy trình thì không phải ít.

Vụ việc BIDV kiện đòi nợ Công ty Toàn Thắng số tiền 2,7 tỷ đồng bao gồm cả nợ gốc và lãi chưa lâu trước đây là một ví dụ. Cụ thể, BIDV cho Toàn Thắng vay theo hạn mức 1,8 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của bên thứ ba. Những thủ tục như ký hợp đồng thế chấp, công chứng chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm… đều đã được làm đủ.

Nhưng khi ra tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã bác yêu cầu được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của BIDV. Nguyên nhân là vì khi tất toán hợp đồng hạn mức và ký lại hợp đồng tín dụng của năm sau, BIDV đã không ký lại hợp đồng thế chấp tương ứng với hợp đồng tín dụng mới theo đúng quy định của pháp luật.

Không chỉ thế, sau khi ký hợp đồng thế chấp thì mới được đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng không hiểu BIDV đã sử dụng biện pháp gì để đăng ký giao dịch bảo đảm vào tháng 7 nhưng lại ký hợp đồng thế chấp vào tháng 8?

Quá trình vay vốn có một số thay đổi đã xảy ra. Thứ nhất là phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản có thay đổi về phạm vi, giới hạn đảm bảo. Thứ hai, BIDV đã đổi tên từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thành Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Theo quy định thì cả hai trường hợp này đều phải tiến hành đăng ký lại giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, BIDV đã không thực hiện.

Một vụ án khác, giám đốc một doanh nghiệp tên là Lê Tiến Nam đã thế chấp các tài sản như ô tô, máy xúc, máy khoan... để thế chấp cho Vietinbank. Nhưng lợi dụng sự sở hở của Ngân hàng trong quản lý, theo dõi, kiểm tra… vị giám đốc này đã đem bán các tài sản này.

Lê Tiến Nam còn tự lập khống các chứng từ về nguồn gốc một số tài sản của người khác để thế chấp cho ngân hàng. Những máy móc này không phải của Nam, nhưng Nam làm giả giấy tờ thể hiện các công ty của Nam là chủ sở hữu và dẫn cán bộ ngân hàng đến thẩm định. Tổng cộng Vietinbank đã bị chiếm đoạt 17,6 tỷ đồng.

5 Trong các vụ án cả dân sự và hình sự, nhiều trường hợp, khách hàng không có ý định lừa đảo, lên kế hoạch để lừa tiền ngân hàng ngay từ đầu hoặc là tính toán vay tiền rồi không trả nhưng rồi sau đó vì một lý do nào đó câu chuyện đã chuyển biến theo hướng khác. Hầu hết đều là các doanh nghiệp có quan hệ từ lâu với ngân hàng, thậm chí là khách VIP.

Ví dụ như vụ việc của Trường Ngân, đây là một doanh nghiệp lớn trong ngành cà phê, có quan hệ tín dụng tốt với các ngân hàng trong nhiều năm. Không phải ngẫu nhiên mà có tới 7 ngân hàng đều cung cấp vốn cho doanh nghiệp này.

Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu Công Chính (Techcombank là khổ chủ), CTCP Xuất nhập khẩu và sản xuất thương mại Âu Mỹ (đã từng bị hàng loạt ngân hàng bao vây kho hàng)… đều từng là các khách hàng VIP, được cấp hạn mức tín dụng lớn, có quan hệ với nhiều ngân hàng.

Có lẽ những chủ doanh nghiệp này không lên kế hoạch lừa đảo ngân hàng nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, khó khăn sẽ có lúc xuất hiện. Và quá trình tìm kiếm giải pháp để vượt khó là lúc mà sai phạm có thể xảy ra để sau đó dẫn đến trách nhiệm hình sự.

Khách VIP được hưởng ưu đãi từ ngân hàng là đương nhiên, nhưng không có nghĩa doanh nghiệp lúc nào kinh doanh cũng thuận lợi. Không ngân hàng nào muốn gặp tình cảnh con nợ có vấn đề để phải đưa ra biện pháp xử lý, thu hồi nợ trước hạn, xử lý tài sản bảo đảm… Biết sớm để đưa ra giải pháp tháo gỡ mới là giải pháp ưu tiên, và nếu làm được điều này thì có lẽ những cuộc truy đòi ảnh hưởng rất xấu tới hình ảnh ngân hàng đã không diễn ra.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan