Các trái chủ của BNP Global đồng loạt ký vào đơn kêu cứu (lần 5) gửi Ngân hàng Nhà nước, đề nghị chỉ đạo Ban kiểm soát đặc biệt SCB giải chấp tài sản đảm bảo cho trái phiếu của BNP (Ảnh chuụp chiều 6/4/2023: M.Minh).

Các trái chủ của BNP Global đồng loạt ký vào đơn kêu cứu (lần 5) gửi Ngân hàng Nhà nước, đề nghị chỉ đạo Ban kiểm soát đặc biệt SCB giải chấp tài sản đảm bảo cho trái phiếu của BNP (Ảnh chuụp chiều 6/4/2023: M.Minh).

Nợ xấu trái phiếu: Nỗi đau kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả lãi và gốc trái phiếu nhưng việc xử lý tài sản đảm bảo lại vô cùng gian nan.

Khóc mếu với tài sản đảm bảo

Công ty cổ phần Kinh doanh đá quý và trang sức Đức Tiến phát hành lô trái phiếu 500 tỷ đồng mã DTCCH2122001, mất khả năng thanh toán gốc đến hạn vào 15/10/2022.

Tài sản đảm bảo cho trái phiếu bao gồm 20 triệu cổ phần Công ty In sách giáo khoa Hòa Phát (mã chứng khoán: HTP); quyền sử dụng đất của thửa đất số 352, 371, 372, 397, 398, 419, 736, 737, 739, 740, 741, 744 tờ bản đồ số 12; thửa đất số 558, 559, 562, 553, 585, 555, tờ bản đồ số 8, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tư vấn phát hành.

Theo phản ánh của trái chủ, tổ chức phát hành đã không thế chấp quyền sử dụng đất của các thửa đất nói trên (các thửa đất có rắc rối về pháp lý). Ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo cũng không thông báo cho người sở hữu trái phiếu về việc tài sản bảo đảm không được thế chấp theo quy định. Vì những lý do đó, nên hiện nay, nếu xử lý tài sản bảo đảm, người sở hữu trái phiếu không thu hồi được đầy đủ khoản tiền gốc đã đầu tư.

Trái chủ của lô trái phiếu BNPCH2123001 trị giá 500 tỷ đồng do Công ty cổ phần Bất động sản BNP Global (tại địa chỉ 139 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận, TP. HCM) phát hành vào năm 2021, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) tư vấn, lại rơi vào cảnh oái ăm khác.

Đây là lô trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 3 năm, lãi suất trung bình 10 - 11%/năm, có tài sản đảm bảo là 58.727.926 cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank - SGB) được bảo đảm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Cuối năm 2022, Công ty BNP mất khả năng thanh toán. Ngày 27/12/2022, TVSI (với tư cách là đại diện người sở hữu trái phiếu) đã ra Nghị quyết của người sở hữu trái phiếu yêu cầu giải chấp tài sản đảm bảo là số cổ phần SGB nói trên để bán, lấy tiền trả cho trái chủ.

Sau nhiều lần thương lượng, đầu năm 2023, Công ty BNP đã thông qua đề nghị giải chấp và xóa đăng ký giao dịch bảo đảm đối với toàn bộ số cổ phần SGB đang được giữ tại SCB. Tuy nhiên, Ban Kiểm soát đặc biệt tại SCB lại có văn bản thông báo: Tổ chức phát hành phải tất toán, trả hết gốc, lãi gói trái phiếu thì họ mới giải chấp tài sản đảm bảo.

Trái chủ kêu cứu lên Ngân hàng Nhà nước thì Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước trả lời: “Nội dung mà trái chủ phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước thuộc trách nhiệm giải quyết của SCB, TVSI và các bên liên quan. Vì vậy, trái chủ cần làm việc với các đơn vị này, nếu không giải quyết được thì có thể khởi kiện ra tòa án”.

Thực tế, tại các doanh nghiệp trên và nhiều doanh nghiệp khác cho thấy, khi doanh nghiệp mất khả năng chi trả lãi và gốc trái phiếu, việc có tài sản đảm bảo được nêu trong các phương án phát hành cũng khó có thể là “lá chắn” cho nhà đầu tư. Chưa kể, việc định giá tài sản đảm bảo thiếu sự giám sát từ các cơ quan quản lý thường không chính xác, không tuân thủ các quy định pháp luật, theo nhận xét của luật sư Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Công ty Luật Hà My & cộng sự.

Nỗi lo còn lớn

Tính đến ngày 17/3/2023, đã có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94.430 tỷ đồng.

Finn Group đánh giá, trong số 69 doanh nghiệp có nợ xấu trái phiếu nói trên, có 25 doanh nghiệp khó có thể đáp ứng tiếp các nghĩa vụ nợ còn lại. Trong trường hợp cần thanh lý tài sản, tỷ lệ thu hồi nợ nhóm này ở mức dưới 30% nếu dựa theo giá trị sổ sách.

Trong tổng số 69 tổ chức phát hành chậm trả, có 43 tổ chức phát hành là doanh nghiệp trong ngành bất động sản với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả nợ ở mức 78.900 tỷ đồng, chiếm 83,6% với tổng giá trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu.

69 tổ chức phát hành trên hiện có tổng nợ vay 233.700 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022, trong đó tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành ở mức 169.700 tỷ đồng và phần còn lại 64.000 tỷ đồng là vay tín dụng ngân hàng và nợ khác.

Trái phiếu đã ở tình huống chậm trả chiếm 37% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành ở mức 169.717 của các doanh nghiệp này. Phần trái phiếu còn lại chưa đến hạn thanh toán là 75.286 tỷ đồng và có kỳ đáo hạn chủ yếu vào năm 2023 (ước tính 30.200 tỷ đồng) và 2024 (ước tính 21.900 tỷ đồng).

Câu hỏi được đặt ra là quy mô và mức độ chậm trả cụ thể ra sao và xu hướng tiếp theo như thế nào trong thời gian tới cũng như những tác động có thể có đến thị trường tài chính.

Phân tích của Finn Group dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính của 33 tổ chức phát hành bất động sản chậm trả cho thấy, đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Tuy nhiên, tài sản hữu hình - thường là tài sản sinh lời của các công ty bất động sản có mức tăng khiêm tốn từ 25.000 tỷ đồng (2017) lên 33.000 tỷ đồng (2021).

Trong khi đó, khoản phải thu (thường đến từ hợp đồng cho vay các bên liên quan) và khoản đầu tư dài hạn (thường là khoản đầu tư vào các công ty con và liên kết) lại tăng gấp hơn 4 lần. Vì dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính không tăng trưởng tương xứng với nợ vay. Khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này giảm mạnh do EBITDA chỉ tăng 4 lần trong khi nợ vay tăng 15 lần.

Trong một thời gian dài, nợ vay trên tương quan với lợi nhuận EBITDA (lợi nhuận không gần với dòng tiền tạo ra mới trong kỳ) ở mức rất cao, lên tới 30,5 lần vào năm 2020 và 23,5 lần vào năm 2021. Đây là mức quá cao so với kỳ hạn bình quân của một trái phiếu và các nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp.

Vấn đề đáng e ngại là xét trên số liệu tổng thể của tín dụng trái phiếu, kênh huy động vốn này mới đáp ứng 33% trong tổng cơ cấu vốn vay tín dụng của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản. Như vậy, 67% nguồn vốn của ngành bất động sản đến từ tín dụng ngân hàng, cho thấy tồn tại rủi ro chéo từ sự kiện vi phạm nghĩa vụ nợ đối với các khoản vay của ngân hàng nếu tình hình kinh doanh vẫn gặp khó khăn, doanh nghiệp không thể huy động thêm hoặc cơ cấu lại nợ.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ở mức 1,15 triệu tỷ đồng tính theo giá trị lưu hành tại thời điểm 8/3/2023. Trong đó, trái phiếu của các tổ chức phát hành phi ngân hàng là 788.900 tỷ đồng và “bank-bond” ở mức 368.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu của trái phiếu phi ngân hàng 788.900 tỷ đồng thì trái phiếu bất động sản có giá trị 396.300 tỷ đồng, tức chiếm khoảng 50% tổng giá trị trái phiếu phi ngân hàng và 34% tổng trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường đang lưu hành.

Tin bài liên quan